Cơ hội vàng sẽ đến với chứng khoán 2009

Wednesday, January 28, 2009 |

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2009 sẽ vẫn còn bất ổn và đầy thách thức nhưng các chuyên gia phân tích tin rằng, nhiều cơ hội vàng sẽ xuất hiện trong khó khăn.
Nhiều nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin thị trường hồi phục trong
năm 2009 (ảnh: Hữu Nghị).
Năm 2008, thị trường suy thoái (bear market) đã ngự trị trong hầu hết các loại tài sản như chứng khoán, trái phiếu... Chỉ số VN-Index đã giảm từ mức 921 điểm hồi đầu năm xuống còn 315 điểm cuối năm, tương đương giảm 68% và là mức giảm nhiều nhất ở châu Á.

Nhìn vào năm 2009, Spencer White, cựu Trưởng nhóm Phân tích chứng khoán của Merrill Lynch khu vực châu Á - Thái Bình Dương tin rằng, những bất ổn đang giảm đi, niềm tin nhà đầu tư đang tăng lên và dấu hiệu về cơ hội đầu tư cũng đang lớn dần.

Lợi nhuận doanh nghiệp sẽ được cải thiện và xu hướng hồi phục đối với một số cổ phiếu tốt sẽ đến.

Spencer cho rằng, mặc dù sụt giảm mạnh nhất trong khu vực châu Á, TTCK Việt Nam vẫn ở vị thế hồi phục tốt hơn trong năm 2009. Sau khi giảm 68%, giá cổ phiếu đã gần như phản ánh toàn bộ các yếu tố xấu tác động đến nền kinh tế có thể còn xuất hiện rải rác trong vòng 6 tháng tới.

"Tôi cho rằng, Vn-Index sẽ tăng trong năm 2009 do chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng. Tuy nhiên, thị trường vẫn bất ổn với những đợt tăng giá mạnh (rally) cùng với những đợt chốt lời (profit taking)", Spencer - Cố vấn chiến lược của CTCK Thiên Việt nói.

Theo ông, các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ còn "yếu" trong năm 2009 cộng với tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến xấu, nhưng bên cạnh khó khăn, những cơ hội rất lớn sẽ tới. "Không nghi ngờ gì, cơ hội trên TTCK Việt Nam sẽ xuất hiện trong vòng 12 tháng tới. Giá cổ phiếu sẽ hồi phục trước khi nền kinh tế hồi phục", Spencer nói.

Ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc Nghiên cứu và đầu tư của CTCK Tân Việt thì cho rằng, dường như những khó khăn nhất đã thuộc về năm 2008 và hy vọng TTCK năm 2009 sẽ tốt hơn.

"TTCK vẫn có những giai đoạn thử thách, chí ít cũng hết quý I/2009. Tuy nhiên, năm nay có thể được xem là năm tiến tới xu thế bình ổn để tạo đà cho năm 2010", ông Quyến nói.

Ông Louis Nguyễn, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management thì cho rằng, 2009 sẽ là năm khó khăn cho TTCK Việt Nam. "Điều này là do thị trường phản ứng với kết quả kinh doanh kém của DN trong năm 2008. Ngoài ra, TTCK Việt Nam cũng phụ thuộc vào TTCK thế giới", ông Louis khẳng định.

Đối với vấn đề vốn ngoại trong năm 2009, Min Hwa Kupfer, Chủ tịch Vietnam Holding Asset Management cho rằng, khi các thị trường quốc tế ổn định lại, luồng vốn chảy tới các thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao sẽ quay lại. "Các thị trường châu Á như Trung Quốc, Singapore sẽ được hưởng lợi trước, sau đó sẽ tới lượt Việt Nam", ông Kupfer phát biểu.

Ông Quyến cho rằng, luồng vốn đầu tư nước ngoài ước 3 tỷ USD đang đổ vào cổ phiếu và trái phiếu ước cũng chừng đó, sau khi họ đã bán ròng trong thời gian qua. "Tôi nghĩ là nguồn vốn này vẫn sẽ ở lại Việt Nam vì mức độ tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong trung hạn và dài hạn hấp dẫn hơn nhiều", ông Quyến dự đoán.

"Khả năng tăng thêm của luồng vốn ngoại trong năm 2009 sẽ ít trở nên hiện thực vì khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến các quỹ rất khó huy động thêm vốn mới. Mặt khác, hầu hết các quỹ và nhà đầu tư cá nhân đều thua lỗ nặng, một số quỹ thậm chí đã phải trả lại tiền cho cổ đông", ông Quyến nói.

Với năm 2009 đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, sẽ cảm thấy khó khăn trong quyết định đầu tư.

"Tôi sẽ đầu tư vào các công ty được quản lý tốt ở những thời điểm thuận lợi nhất. Đầu tư phong trào sẽ rất nguy hiểm. Nhà đầu tư cần phải hiểu họ đang mua gì, hiểu rủi ro và lợi nhuận như thế nào. Thị trường sẽ tăng nhưng cũng sẽ bất ổn", ông Spencer khuyên và cho biết, ông thích những công ty như đô thị, tiêu dùng, hạ tầng, năng lượng...

Ông Kupfer thì khuyên nhà đầu tư tập trung vào những công ty có kết quả kinh doanh tốt, có vị thế hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh chính, tài chính lành mạnh, quản lý và quản trị công ty tốt và điều quan trọng là mua và nắm giữ ít nhất 2 năm với tiền của mình, chứ không vay mượn để đầu tư.

Ông Spencer cũng kiến nghị cơ quan quản lý thị trường cần tiếp tục quá trình tăng cường minh bạch thông tin, quản trị và rút ngắn quá trình cấp phép cho nhà đầu tư tổ chức, tăng sở hữu nước ngoài, cho phép mở nhiều tài khoản, bán khống và điều quan trọng là giá cổ phiếu phải được thị trường quyết định…


Năm 2008, TTCK Việt Nam chịu hai cú sốc. Thứ nhất, lạm phát tăng cao vào đầu năm 2008 và Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ khiến TTCK tụt dốc không phanh từ mức 921,07 điểm xuống 366,02 điểm hôm 20/6, giảm 60%.
Thị trường sau đó hồi phục lên 561,85 điểm vào ngày 27/8 và sau đó lại bị cú sốc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhấn chìm xuống 286,85 điểm vào ngày 10/12, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, VN-Index sau đó hồi phục và kết thúc năm 2008 ở mức 315,62 điểm, hay tăng 10% từ mức đáy. "Có lý do để hy vọng cho năm 2009", ông Kupfer tin tưởng.

Theo Nguyên Hưng
Đầu tư Chứng khoán


Thuế chứng khoán 'siết' giao dịch hai sàn

Friday, January 2, 2009 |

Tín hiệu vui về điểm số và khối lượng giao dịch hai phiên đầu tuần đã không thể kéo dài hơn, việc thuế chứng khoán áp dụng từ ngày 1/1 đưa giá trị chuyển nhượng hai sàn xuống mức thấp nhất trong hơn 3 tháng qua.

Ba phiên giao dịch đầu tuần cũng là những ngày cuối cùng của năm 2008. Vn-Index ghi nhận sự tăng vọt về khối lượng giao dịch với mức xấp xỉ 16 triệu chứng khoán trong hai ngày 30 và 31/12, gấp đôi so với phiên đầu tuần. Mức đáy của chỉ số chứng khoán sàn TP HCM năm 2008 được xác lập tại 286,85 điểm (ngày 10/12), thấp nhất trong 3 năm qua.

Cột mốc đầu tiên năm 2009 của Vn-Index được xác lập tại 313,34 điểm. Ảnh: Đ.Q.

Chia tay một năm quá nhiều biến động, Vn-Index chỉ còn lại 315,62 điểm làm vốn cho chặng đường năm 2009. Một khởi đầu không mong đợi đã xuất hiện khi chỉ số hai sàn lại "ngã ngựa" trong ngày xông đất đầu năm và cũng là phiên giao dịch cuối tuần qua, với mức sụt giảm tương ứng 0,72% tại HOSE và 0,62% tại HASTC.

Một sự kiện quan trọng song hành cùng thị trường trong năm mới là thuế thu nhập cá nhân, trong đó có thu nhập từ chứng khoán bắt đầu có hiệu lực. Để thuận tiện cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, một số công ty chứng khoán tạm thu 0,1% trên tổng giá trị bán. Khi cơ quan quản lý Nhà nước có quyết định ngừng hoặc hoãn thực hiện luật Thuế thu nhập cá nhân, công ty chứng khoán sẽ hoàn trả lại số tiền đã tạm khấu trừ cho nhà đầu tư.

Bỡ ngỡ với ngày đầu phải chịu thêm khoản thuế này, phiên giao dịch cuối tuần đã diễn ra trong tư thế thăm dò, nghe ngóng. Vn-Index không những sụt điểm mà lượng chứng khoán trao tay tuột xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua, còn HaSTC-Index quay về thời điểm giữa tháng 7. Trong bối cảnh thị trường chưa có điểm tựa vững chắc, nhà đầu tư đang dõi mắt theo báo cáo kết quả hoạt động cả năm của doanh nghiệp niêm yết, thì khoản thuế phải nộp năm 2009 khiến bức tranh Vn-Index đầu năm không mấy sáng sủa.

Một điểm nhấn quan trọng tiếp theo là diễn biến giao dịch của khối ngoại khi tuần thứ tư liên tiếp mua ròng, song lượng mua ở mức thấp và tập trung ở vài mã nhất định. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài gom 7,2 triệu, nhắm chủ yếu đến PVF, DPM, HPG, VPL, PPC... Ở chiều hướng bán ra lại hướng vào STB, TDH, PDV... với tổng lượng bán ra đạt 3,5 triệu chứng khoán.

Trọn tuần lao dốc, HaSTC-Index mất tổng cộng 1,15 điểm (1,09%), đặt cột mốc đầu tiên năm 2009 ở 104,47 điểm. So với tuần trước, số chứng khoán trao tay cùng giá trị giao dịch sụt giảm đến hơn 60%.

Phố Wall đón năm mới bằng hình ảnh sắc xanh phủ khắp bảng điện tử. Điềm lành đến với các nhà đầu tư trong phiên đầu năm khi chỉ số chính Dow Jones đã vượt dốc 9.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2008.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đi lên 2,94%, đóng cửa tại 9.034,69 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq "mở hàng" đầu năm tại 1.632,21 điểm, cao hơn tham chiếu 3,5%. Chỉ số Standard & Poor 500 kết thúc ngày giao dịch tại 931,8, đi lên 3,16%.

Với chỉ số Dow Jones, đây là khởi đầu năm mới tốt đẹp thứ hai trong lịch sử, tính theo điểm số, và thứ sáu, tính theo phần trăm. Tuy nhiên, cũng như những phiên gần đây, lượng giao dịch vẫn khá thưa thớt.

Từ khối ngân hàng, Bank of America cho hay đã chính thức hoàn thành việc thâu tóm Merrill Lynch. Wells Fargo cũng kết thúc việc mua lại Wachovia. Từ đó, hai tập đoàn này lần lượt trở thành các ngân hàng lớn nhất và thứ 4 tại Mỹ với tổng tài sản của Bank of America là 2.700 tỷ đôla và 1.400 tỷ đôla với Wells Fargo.

Giá dầu hồi phục giúp cổ phiếu của khối dịch vụ như Halliburton, ConocoPhilips và Schlumberger đi lên. Cổ phiếu của General Motors (GM), đại gia sản xuất xe hơi đang khốn khó, khởi sắc trước tin Chính phủ vào thứ tư tới sẽ bơm 4 tỷ đôla đầu tiên, thuộc gói cho vay khẩn cấp dành cho hãng này. Cùng ngày, GM cũng tuyên bố GMAC, tập đoàn tài chính thuộc GM, đã thay đổi các thỏa thuận để GM có thể vay tiền một cách thuận lợi hơn.

Theo thống kê từ Trim Tabs, trong tuần cuối cùng của năm, nhà đầu tư đã rút khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán lượng vốn khoảng 1,2 tỷ đôla, thấp hơn nhiều so với 15,5 tỷ đôla chảy ngược khỏi các quỹ trong tuần trước nữa.

Ông Matt King, Giám đốc đầu tư tại Bell Investment Advisors, nhận định: "Đây quả là một khởi đầu tốt đẹp cho năm mới, tuy nhiên chúng ta không nên quá hưng phấn về kết quả này cho đến khi thị trường (chứng khoán Mỹ) có những bước tiến vững chắc với khối lượng giao dịch lớn hơn".

Phiên đầu năm trôi qua suôn sẻ với chứng khoán thế giới. Ảnh: daylife.com.
Phiên đầu năm trôi qua suôn sẻ với chứng khoán thế giới. Ảnh: daylife.com.

Khá nhiều chuyên gia tin rằng, năm 2009 sẽ là năm khởi sắc của cổ phiếu. Tuy nhiên, mức độ hồi phục sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm giải pháp kích thích kinh tế nào sẽ được Quốc hội Mỹ chấp thuận cũng như mức độ sâu rộng của suy thoái.

Báo cáo kinh tế mới công bố cho thấy, hoạt động sản xuất tiếp tục suy yếu. Chỉ số sản xuất trong tháng 12 của Học viện Quản lý nguồn cung rơi xuống mức thấp nhất trong 28 năm qua, tồi tệ hơn nhiều so với dự tính của các nhà kinh tế.

Tuần tới, nhà đầu tư sẽ đón nhận báo cáo về doanh số bán lẻ, doanh số bán xe hơi, đơn đặt hàng từ các nhà máy, chi phí xây dựng, và đặc biệt là thống kê từ thị trường lao động trong tháng 12.

Dầu thô giao tháng 2 tăng 1,47 đôla lên mức 46,15 đôla một thùng.

Phiên đầu năm của chứng khoán châu Á và châu Âu cũng diễn ra theo một kịch bản tốt.

Cả ba thị trường hàng đầu tại lục địa già là Anh, Đức, và Pháp cùng hồi phục trên "đôi chân" của khối cổ phiếu Ngân hàng và Dầu khí như BP, Royal Dutch Shell, và Total. Chỉ số FTSE 100 của Anh lên 2,88%. Chỉ số CAC 40 của Pháp được cộng 4,09%. Chỉ số DAX của Đức hiện cao hơn phiên cuối cùng của năm cũ 3,39%.

Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hong Kong bứt phá 4,55%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến bước 2,93%. Chỉ số Strait Times của Singapore được cộng 2,17%.

Chứng khoán Nhật và Trung Quốc ngừng giao dịch để nghỉ lễ.

Những sóng gió từ khủng hoảng tài chính, nhà đất và suy thoái kinh tế đã được phản ánh đầy đủ vào diễn biến ảm đạm của thị trường cổ phiếu tại nhiều quốc gia trong năm qua.

Thị trường chứng khoán thế giới vừa qua một năm thảm hại, cũng như các lĩnh vực kinh tế khác.

Với các nhà đầu tư tại Mỹ, năm 2008 là tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng diễn ra gần 80 năm trước. Chỉ số Dow Jones mất 33,8% giá trị, con số tương tự với Nasdaq và S&P 500 lần lượt là 40,5% và 38,5%. Chỉ số Nasdaq đã có mức sụt giảm tệ hại nhất kể từ khi nó ra đời năm 1971.

Trong 10 nhóm ngành kinh tế, theo tổ chức Standard & Poor, khối tài chính gặp khó khăn nhất khi mất 58% giá trị. Kết quả khả quan nhất thuộc về khu vực tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu với mức giảm "vẻn vẹn" 18%.

Chỉ 2 trong số 30 hãng thành phần của chỉ số Dow Jones đi lên sau năm 2008, là Wal-Mart và McDonald, được cộng lần lượt 17% và 5%. Thiệt hại nặng nề nhất thuộc về General Motors. Giá cổ phiếu của tập đoàn sản xuất xe hơi đang gặp khó khăn này sụt giảm tới 87%, vượt qua cả mức 77% của ngân hàng Citigroup.

Tương tự như Dow Jones, chỉ 7 trong số 100 tập đoàn hàng đầu trong bộ chỉ số công nghệ Nasdaq thăng tiến trong năm qua. Với S&P 500, chỉ 22 trong số 500 công ty có giá cổ phiếu năm nay cao hơn năm trước. Trong đó, cổ phiếu của tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới AIG sụt giảm tới 96% giá trị.

Diễn biến xấu từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất, khủng hoảng tín dụng, suy thoái và giảm sút tiêu dùng đã tạo nên sóng gió trên phố Wall. Bên cạnh đó, giá dầu thay đổi bất thường, hết tăng đến đỉnh rồi giảm tới đáy, cũng góp phần gây bất ổn cho thị trường chứng khoán, đồng thời phản ánh sự đi xuống của kinh tế toàn cầu. Trong một diễn biến ngược lại, giá trái phiếu Chính phủ đi lên khi nhà đầu tư chuyển sang lựa chọn kênh đầu tư an toàn.

Các nhà phân tích tỏ ra lạc quan khi đánh giá triển vọng năm 2009. Theo ông John Wilson, nhà phân tích kỹ thuật tại Morgan Keegan, căn cứ vào thống kê lịch sử, chứng khoán năm tới sẽ hồi phục bất kể suy thoái cũng như sự phập phù của giá cổ phiếu.

Tương tự như thị trường Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng trải qua một năm 2008 đầy sóng gió, và đặt nhiều hy vọng khởi sắc trong năm 2009. Ảnh: xinhua.net.
Tương tự như thị trường Âu, Mỹ, nhà đầu tư châu Á cũng "thở phào" khi năm 2008 đầy sóng gió kết thúc, và hướng tới hy vọng khởi sắc trong năm 2009. Ảnh: xinhuanet.com.

Tại châu Á, thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới của Nhật Bản, vừa trải qua năm tồi tệ nhất trong lịch sử khi chỉ số Nikkei 225 "bốc hơi" hơn 42% giá trị. Chứng khoán Nhật ngừng giao dịch để nghỉ lễ trong ngày 31/12.

Một số thị trường lớn khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong cũng có một năm tồi tệ. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc hiện chỉ còn 59,3% giá trị cuối năm 2007. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 48,8% sau năm qua. Hàn thử biểu của Chứng khoán Trung Quốc, cùng với Vn-Index của Việt Nam, là 2 trong số các thị trường dẫn đầu về mức độ sụt giảm tại châu Á. Hai chỉ số trên cùng rơi trên 65%, theo dữ liệu từ Bloomberg.com.

Không mất điểm mạnh như Trung Quốc và Việt Nam, nhưng chứng khoán tại Ấn Độ cũng khiến nhiều nhà đầu tư điêu đứng với mức sụt giảm 52,5% của chỉ số BSE 30. Mới chỉ một năm trước, 3 quốc gia châu Á này còn là những điểm đến lý tưởng cho dòng vốn đầu tư vào chứng khoán.

Chứng khoán châu Âu cũng không miễn dịch trước cơn bão khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Chỉ số FTSE của Anh giảm 31,5%. Chỉ số CAC 40 giảm 42%, còn DAX của Đức mất 39,5%.

Dù sao trong phiên cuối cùng của năm cũ 2008 diễn ra vào 31/12, hầu hết các thị trường đều nhích lên. Chỉ số KOSPI tăng nhẹ 0,12%. Chỉ số Hang Seng tíến thêm 0,76%. Chỉ số Shanghai Composite đóng cửa thấp hơn phiên trước 0,66%.

Thị trường cổ phiếu châu Âu tiễn năm 2008 bằng một phiên tăng. Chỉ số FTSE 100, đi lên 0,94%. Chỉ số CAC 40 nhích nhẹ 0,03%. Chỉ số DAX đi lên 2,24%.

Cùng ngày, chỉ số công nghiệp Dow Jones đi lên 1,25% đóng cửa tại 8.776,39 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq kết thúc năm tại 1.577,03 điểm, tăng 1,7%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khép lại năm 2008 bằng mức điểm cộng 1,42%, chốt ở mức 903,25 điểm.

Trong phiên cuối năm, giới kinh doanh tiếp tục đón nhận tin tốt từ thị trường lao động. Theo Bộ Lao động, số người mới thất nghiệp tuần qua là 492 nghìn người, thấp hơn nhiều so với dự tính 575 nghìn của các nhà phân tích. Đây là lần đầu tiên kể từ tuần kết thúc vào 1/11/2008, số người mới mất việc tuần giảm xuống dưới 500 nghìn. Tổng kết năm 2008, có khoảng 1,9 triệu người Mỹ mất việc.

Dầu tăng 1,82 đôla lên mức40,85 đôla một thùng. Cùng ngày, kiểm kê tuần cho thấy dự trữ dầu tăng trong khi tích trữ xăng dầu lại thấp hơn dự kiến.

Tính tới 17h chiều nay 2/1, phiên giao dịch đầu tiên của năm 2009, chỉ số Hang Seng lên 4,55%, chỉ số KOSPI tiến bước 2,93%. Thị trường Nhật và Trung Quốc tiếp tục ngừng giao dịch để nghỉ lễ.