Cạm bẫy T+3

Thursday, September 25, 2008 |

Quy trình thanh toán chứng khoán trên sàn với công thức T + 3 - sau 3 ngày kể từ khi mua, cổ phiếu (CP - cả chứng chỉ quỹ) mới về tới tài khoản - đang trở thành cạm bẫy đối với nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” ngắn.

Bị thua khi cổ phiếu mới về tới tài khoản:

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (24-8), các nhà đầu tư “lướt sóng” đã nộp 388 lệnh đặt mua 144.660 CP BMC (Công ty Cổ phần Khoáng sản Bình Định), trong khi số chào bán chỉ có 52.080 CP, tức cầu lớn gấp 2,78 lần số cung. Giá BMC trong ngày hôm ấy tăng kịch trần (quy tròn +5%), tức tăng từ 495.000 đồng, lên 519.000 đồng/CP.

Đến phiên sau, ngày 27-8 (nghỉ thứ bảy và chủ nhật), vì sức mua thị trường tiếp tục mạnh nên giá giao dịch của BMC lên đến 544.000 đồng/CP, tăng thêm 25.000 đồng/CP. Những người mua CP BMC cuối tuần trước nghĩ rằng mình đã trúng đậm. Họ mong CP về đến tài khoản sớm để bán kiếm lời.

Nhưng trong ngày 28-8, giá CP này bất ngờ gãy đổ trước sự kinh ngạc của nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” ngắn. Trong suốt cả 3 đợt giao dịch, giá BMC giảm liên tục, đến lúc đóng cửa chỉ còn 517.000 đồng/CP, giảm 27.000 đồng so với hôm trước.

Tính từ cuối tuần trước đến ngày này thì thời gian làm việc mới được 2 ngày (T+2), CP mua chưa về đến tài khoản nên nhà đầu tư không thể bán ra. Dù biết giá của nó đang rơi nhưng họ bất lực, không thể bán tháo để cắt lỗ.

Đến ngày 29-8, nếu giá không đổi chiều, với đà lao dốc thế này (-5%), giá BMC có thể xuống còn 492.000 đồng/CP. Như vậy, những nhà đầu tư “lướt sóng” ngắn cuối tuần trước bị thua nặng khi CP mới về tới tài khoan.

Không mua - bán một cục

Những nhà đầu tư ngắn hạn thường tạo ra “sóng” để lướt. Họ kiếm lợi nhuận ngay trong những con “sóng” này. Nhịp độ từng con “sóng” thường gắn liền với thời gian T+3. Các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thường dự tính mua nhanh, bán nhanh, trong thời hạn T+3.

Do thị trường có rất nhiều chuyên gia cự phách, vốn lớn, nên họ đã gom CP lúc thị trường ế ẩm. Khi “gió” đổi chiều, họ có thể tạo ra “sóng” để thu hút người mua. Khi thấy số lượng mua nhiều, giá CP bị đẩy lên cao thì họ xả CP ra bán, giá CP xuống thấp. Những nhà đầu tư bị cuốn vào mua lúc giá cao, không thể bán tháo khi “sóng” lặng nên thường bị “sập” vì cạm bẫy T+3.

Trong bất cứ thời điểm nào, thị trường cũng có những con “sóng” để cho các nhà đầu tư “lướt”. Khi xu hướng tăng mạnh thì “sóng” cao, kéo dài nhiều ngày, phương thức T+3 luôn thắng. Nhưng trong giai đoạn thị trường ế ẩm, nhịp độ “sóng” rất ngắn thì phương thức T+3 không còn hiệu quả, mà phương thức T+2, T+1 tỏ ra tốt hơn.

Để thực hiện được điều này, những nhà đầu tư có kinh nghiệm thường mua vào khi thị trường ế ẩm, nhằm mục đích nắm giữ CP lâu dài. Khi thấy những con “sóng” bị đẩy lên cao, họ chỉ bán tối đa 1/3 số CP có trong tài khoản.

Rồi một hoặc hai ngày sau khi thấy “sóng” lặng (giá xuống), họ lại mua vào bù đắp số lượng CP đã bán, vì vậy chiến lược đầu tư lâu dài vẫn không bị ảnh hưởng, mà hằng ngày vẫn có tiền lời. Vì tiền chưa về, nên nhà đầu tư tạm ứng của công ty chứng khoán với lãi suất khoảng 0,04%/ngày (1,2%/tháng), 3 ngày sau khi tiền bán CP về tới tài khoản, công ty sẽ trừ nợ.

Do không mua một cục, không bán một cục, mà chỉ mua - bán một phần giá trị trong tài khoản vào bất kỳ ngày nào khi thấy giá phù hợp nên những nhà đầu tư này tránh được cạm bẫy T+3.

0 comments: