Vàng, Dầu và Thị trường tài chính

Saturday, September 27, 2008 |

Năm 2008 chứng kiến giá vàng, dầu biến động phức tạp. Dầu thô từ dưới ngưỡng 100 USD/1 thùng hồi đầu năm sau đó liên tiếp chinh phục các đỉnh cao mới cho đến lúc chạm ngưỡng cao nhất mọi thời đại là 147,24 USD/1 thùng (1 thùng = 158,987295 lít). Giá vàng cũng có lúc đạt 1032 USD/1 oz (0 , 83 lượng) trước khi cả hai lao dốc dữ dội. Thị trường tài chính (TTTC) bao gồm các thị trường chứng khoán (TTCK), hối đoái, phái sinh, tiền tệ… cũng liên tục biến động không ngừng cùng với vàng và dầu. Như vậy vàng, dầu và TTTC có sự tương quan như thế nào?

Tương quan giá vàng, dầu với TTTC thế giới
Cho đến ngày 1 6 /8 giá dầu đã ở dưới ngưỡng 120 USD/1 thùng, giá xăng giảm từ ngưỡng 4 USD/1 gallon (tương đương 3,785 lít) xuống sát ngưỡng 2 USD/1 gallon, dầu thô ngọt nhẹ (light sweet crude oil) giao ngay tại New York chạm ngưỡng 11 1 USD/1 thùng. Đặc biệt giá dầu thô Brent biển Bắc (Brent crude oil) giao ngay tại Luân Đôn có lúc còn chạm ngưỡng 11 0 USD/1 thùng. Giá kim loại màu cũng giảm mạnh trong đó vàng giảm từ 988 USD/1 oz xuống sát 77 0 USD/1 oz vào ngày 1 5 /8. Điều này ngay lập tức ảnh hưởng đến TTTC khi đồng USD phục hồi mạnh mẽ, USD Index từ xấp xỉ 70 điểm đã vượt qua 77 điểm làm tỷ giá các đồng tiền mạnh khác như Euro, bảng Anh giảm sâu. Chẳng hạn tỷ giá của đồng Euro với đồng USD đã giảm chạm mức 1,4 sau khi đã có thời điểm tỷ giá của cặp tiền này còn ở mức 1,6. Đồng USD mạnh lên đẩy các hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này rớt thê thảm, vàng, dầu cũng không phải là ngoại lệ. Các chỉ số chứng khoán trên thế giới phản ứng khá tích cực khi đa số đều tăng điểm do niềm tin của các nhà đầu tư về nền kinh tế phần nào phục hồi, dòng tiền từ thị trường vàng, dầu cũng dịch chuyển bớt sang TTCK.

Tương quan giá vàng, dầu với TTTC Việt Nam

Tại Việt Nam, với việc giá xăng, dầu được Nhà nước kiềm chế nên nửa đầu năm 2008 giá mặt hàng này vẫn bình ổn. Mặc dù giá xăng, dầu mới được điều chỉnh tăng nhưng nếu giá trên thế giới tiếp tục xuống thì giá xăng, dầu tại Việt Nam sẽ được điều chỉnh giảm tiếp tục. Tỷ giá đồng USD/VND đã có lúc cách biệt rất lớn giữa tỷ giá được niêm yết của các Ngân hàng với thị trường tự do. Nhưng với chính sách quyết liệt của Nhà nước mà từ tháng 7 tỷ giá này đã đi dần vào ổn định. Với việc đồng USD tăng giá mạnh mẽ nhưng tại Việt Nam tỷ giá vẫn ổn định, thậm chí có lúc giảm nhẹ. TTCK đang có nhiều dấu hiệu đang trong giai đoạn tích lũy khi TTCK có xu hướng đi ngang theo hướng lên nhẹ. Điều này làm giảm áp lực lạm phát lên nền kinh tế đồng thời nếu những tín hiệu tích cực này tiếp tục duy trì thì nền kinh tế sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng bền vững.


Tuy nhiên cho đế n ngày 16/8 giá vàng Việt Nam hiện nay cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 1 triệu đồng /01 lượng, trong khi giá đồng USD trên thị trường tự do và ngân hàng vẫn cân bằng (thông thường giá vàng cao hoặc thấp hơn giá vàng thế giới khi người ta kỳ vọng đồng USD giảm hoặc tăng giá, nghĩa là giá USD trên thị trường tự do phải thấp hoặc cao hơn giá niêm yết). Như vậy giá vàng tại Việt Nam hiện nay mang nhiều yếu tố tâm lý và đầu cơ theo như lời ông Phí Đăng Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước.

Nhà đầu tư trên TTTC trong thời buổi giá vàng, dầu đầy biến động
Với các nhà đầu tư (NĐT) giá lên trên thị trường vàng, dầu thì đây là một sự “tra tấn” khi phải chứng kiến 5 tuần sụt giảm liên tiếp và đang phải đối mặt với khả năng tuần thứ 6 sụt giảm. Và đây là một sự thử thách quá lớn với những nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật khi vàng, dầu liên tục phá vỡ những ngưỡng hỗ trợ. Với những nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản tình hình cũng không khá hơn khi tình hình kinh tế trên thế giới nhìn chung vẫn rất ảm đạm, chưa kể trong tháng 7 và 8 căng thẳng tại khu vực Trung Đông khi Iran cương quyết không dừng chương trình làm giàu uranium của họ. Iran nói rằng họ phát triển chương trình nhằm mục đích hòa bình là sản xuất điện trong khi các nước phương Tây cho rằng đây là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Đầu tháng 8, các nước phương Tây đã tiếp tục tăng thêm biện pháp trừng phạt nước này và Iran nói trong trường hợp bị tấn công họ sẽ đóng cửa eo biển Hormuz nơi trung chuyển 40% lượng dầu cung cấp ra thế giới bằng đường thủy phải đi qua eo biển này. Ngoài ra trong tháng 8 chiến tranh giữa Georgia - Nam Ossetia là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu khi Georgia vốn là nơi trung chuyển khí đốt quan trọng từ biển Caspean sang phương Tây với tuyến đường ống dẫn dầu BTC (Baku-Tbilisi-Ceyhan) dài 1.774 km chuyển dầu từ các mỏ của Azerbaidjan với dung lượng 1,2 triệu thùng 01 ngày trên biển Caspean đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải. Ngoài ra các thông tin kinh tế của các nền kinh tế mạnh như EU, Mỹ ... nhìn chung vẫn còn xấu chưa có dấu hiệu nổi bật cho thấy các nền kinh tế trên sẽ tăng trưởng bền vững. Mặc dù vậy giá vàng, dầu vẫn không thoát khỏi đà sụt giảm.

Ngược lại với các NĐT nắm giữ vàng, dầu các NĐT trên TTCK vui mừng khi TTCK tăng điểm. Các NĐT trên thị trường tiền tệ nắm giữ đồng USD còn vui mừng hơn trước sự hồi phục mạnh mẽ của đồng tiền này nhờ sự giảm giá của các đồng tiền khác.

Giá vàng, dầu giảm có phải tín hiệu đáng mừng?
Với đại đa số mọi người dân đều vui mừng khi giá dầu hạ, kéo giá vàng giảm theo. Điều này sẽ góp phần kéo giá cả hàng hóa giảm, làm lạm phát giảm, áp lực lên cuộc sống của người dân cũng giảm đi. Tuy nhiên việc giá dầu hạ trong lúc nền kinh tế phát triển ổn định thì đây thật sự là một tin mừng vì người dân sẽ đẩy mạnh tiêu dùng hơn nhưng với tình hình kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn thì vấn đề này còn phải xem xét lại. Bởi vì việc giá hàng hóa đi xuống chứng tỏ kinh tế thế giới cũng đi xuống, là dấu hiệu tiêu cực của nhu cầu tiêu dùng đồng nghĩa với các chính sách điều hành ngày càng thắt chặt. Khi giá hàng hóa giảm cũng làm các nhà sản xuất thiếu động lực để sản xuất và phát triển sản phẩm. Ngoài ra việc giá dầu giảm mạnh liên tục sẽ không loại trừ việc OPEC sắp tới sẽ giảm lượng cung ra thị trường để ngăn chặn việc giá dầu tiếp tục đi xuống. Bởi vì một khi giá dầu đã thiết lập mặt bằng giá mới việc giá xuống quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng lợi nhuận của các quốc gia này.

Đồng USD tăng giá mạnh lần này không phản ánh tình hình kinh tế Mỹ mạnh lên mà là do các đồng tiền khác yếu đi. Điều này thể hiện qua việc hàng loạt số liệu kinh tế của các nền kinh tế mạnh như EU, Úc, Nhật, Canada không khả quan. Trong bài phát biểu trong cuộc họp báo gần đây, Chủ tịch Ngân hàng TW Châu âu ECB ngài Trichet thừa nhận nhiều khó khăn mà nền kinh tế Châu âu vẫn đang phải đối mặt cộng thêm lạm phát vẫn ở mức cao nên ECB vẫn chưa thể tăng lãi suất góp phần khống chế lạm phát. Tình hình kinh tế tại Mỹ cũng không khá hơn khi danh sách thua lỗ của các doanh nghiệp ngày càng dài hơn, tỷ lệ thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp vẫn tăng cao, chính phủ Mỹ vẫn phải kéo dài thời gian cho các khoản vay thế chấp, TTCK Mỹ tuy có tăng điểm nhẹ nhưng các chỉ số vẫn còn ở mức thấp như chỉ số Dow Jones vẫn chưa thoát khỏi ngưỡng 11.000 sau khi có lúc đạt 14.000. Mặc dù vẫn có một số thông tin khả quan như tín dụng tiêu dùng tăng, dự trữ dầu thô đầu tháng 8 tăng (nhưng dự trữ xăng lại giảm rất mạnh, có thể lý giải do công suất nhà máy giảm), chỉ số sản xuất có chiều hướng tăng .. . Ngoài ra việc Ủy ban điều hành thị trường mở của FED (FOMC : Federal Open Market Committee ) trong cuộc họp lãi suất gần nhất vẫn tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 2% và ngài Ben Bernanke Chủ tịch FED cảnh báo nguy cơ đi xuống của nền kinh tế Mỹ vẫn còn, thị trường tài chính tiếp tục căng thẳng.

Như vậy có thể thấy việc đồng USD tăng mạnh, vàng, dầu giảm thê thảm từ nửa cuối tháng 7 đến nay mang nặng yếu tố đầu cơ, khi đồng loạt nhiều nhà đầu tư bán vàng, dầu ra đẩy giá đồng USD tăng vọt. Trong đó việc ECB trong tháng 8 bán ra 1,5 tấn vàng (theo hiệp ước bán vàng), Quỹ giao dịch vàng hoán đổi lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares trong ngày 5/8 bán ra 15,32 tấn vàng (trước đó Quỹ này cũng đã có một số động thái bán ra) kéo theo sự bán ra ồ ạt của các nhà đầu tư khác. Và nếu dõi theo lịch sử, ta nhận thấy mỗi khi vàng, dầu giảm giá mạnh thì đó là dấu hiệu cho một đợt tăng giá kỷ lục khác. Bởi vậy các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn hết sức cảnh giác tránh tối đa tâm lý chủ quan và những chính sách kinh tế vĩ mô vẫn phải tiếp tục bám sát thị trường.

Để thành công trên TTTC trong thời đại toàn cầu hóa
Trong thời đại toàn cầu hóa, khi các TTTC đều có sự liên thông nhất định với nhau bởi vậy để thành công trên TTTC lại càng khó khăn hơn bao giờ hết, khi mà các NĐT không những chỉ hiểu biết TTTC tại quốc gia đang đầu tư mà còn phải hiểu sự tương quan với TTTC toàn cầu. Các doanh nghiệp ngoài việc tìm chuyên gia giỏi đã đến lúc tìm thêm cho mình một nhân vật có khả năng tổng quan bức tranh toàn cầu. Chuyên gia giỏi sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhưng nhân vật hiểu được hệ thống toàn cầu sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro tác động từ thị trường và định hướng phát triển trong từng giai đoạn thị trường. Còn với NĐT, việc hiểu rõ hệ thống TTTC toàn cầu sẽ giúp họ xác định lĩnh vực nào phát triển trong từng thời kỳ, từ đó đề ra chiến lược thực hiện. Chẳng hạn trường hợp của John Paulson, người điều hành Quỹ Paulson & Co, một Quỹ đầu tư hạng trung có trụ sở tại New York. Ông đã mang lại mức lợi nhuận 14 tỷ USD trong năm 2007 cho Quỹ đầu tư của mình từ số vốn ban đầu là 7,1 tỷ USD đưa tổng tài sản của Quỹ lên hơn 21 tỷ USD (trong khi nhiều tập đoàn khổng lồ đều thua lỗ nặng nề trong năm 2007) , nhờ đánh giá đúng khủng hoảng địa ốc cho vay nhà dưới chuẩn bắt đầu từ năm 2006 tại Mỹ lan rộng ra thị trường tài chính và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Điều này đã làm cho các nhà đầu tư vĩ đại như George Soros, Warren Buffett phải kính trọng và nguyên chủ tịch FED, Alan Greenspan đã đồng ý về làm cố vấn cho Quỹ Paulson & Co.

Saga

Vn-Index hướng tới mốc 500

|

Chứng khoán sàn TP HCM trải qua tuần đáng nhớ với phiên kỷ lục về khối lượng giao dịch ngày 23/9. Mặc dù trồi lên sụt xuống trong quá trình vượt dốc nhưng Vn-Index chỉ còn cách ngưỡng 500 có 16,19 điểm.

Bắt đầu tuần ở 459,86 điểm, Vn-Index nâng dần từng điểm một và đi hết phiên giao dịch cuối tuần với số điểm tích lũy 44,75 (tương đương 9,92%), sau 4 phiên tăng và 1 phiên tuột dốc.

Tiến mạnh trong ngày giao dịch đầu tuần với mức đi lên gần chạm ngưỡng 5%, Vn-Index chùn bước với mức dao động nhẹ 6,01 điểm ở ngày thứ ba và chính thức tuột dốc trong phiên thứ tư, 24/9. Thế nhưng, lực cầu liên tục được bồi đắp và đã giành thế thắng áp đảo so với cung, kéo chỉ số chứng khoán sàn TP HCM sải những bước dài dứt khoát trong hai phiên cuối tuần và chỉ cách ngưỡng 500 bằng một phiên tăng điểm mạnh.

Trải qua 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, Vn-Index kết thúc tuần cuối cùng tháng 9 với tổng số điểm tích lũy 44,75 điểm. Ảnh: B.Q.

So với tuần trước, khối lượng giao dịch bình quân mỗi phiên tuần này chỉ nhích nhẹ 1,2 triệu chứng khoán, với 21,7 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ giao dịch một ngày, tương ứng 773 tỷ đồng. Phiên ngày 23/9 đạt mức kỷ lục về tổng khối lượng thực hiện trong lịch sử 8 năm của thị trường chứng khoán với gần 40 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ "sang tay". Thế nhưng, diễn biến giao dịch chững lại ở các phiên kế tiếp đã ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường.

Đáng chú ý, dù cận kề nguy cơ phá sản, nhưng mã BBT của công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết vẫn có vài chục nghìn cổ phiếu giao dịch mỗi ngày. Một ngày sau khi HOSE phát đi thông báo BBT bị hạn chế giao dịch từ thứ hai tuần sau, mã này vẫn có đến 161.370 cổ phiếu chuyển nhượng và tăng trần phiên thứ ba liên tiếp, hiện đứng ở mức giá 6.300 đồng.

Lý giải vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng, trường Đại học Mở TP HCM cho biết, trên thị trường xuất hiện tin đồn có nhà đầu tư nước ngoài mua lại công ty này. Nhà đầu tư trong nước với hy vọng khi được mua lại, giá cổ phiếu BBT vốn đang ở mức rất rẻ (dao động 6.000 đồng) sẽ phục hồi nhanh chóng và thu lợi lớn nên đã quyết định gom. Tuy nhiên, Tiến sĩ Thuận cho biết, trước hết phải kiểm chứng lại thông tin và nếu vẫn muốn đầu tư vào BBT phải xác định khả năng mất trắng hoặc thu lãi lâu, vì chưa xác định sự phục hồi của công ty này bao giờ mới thành hiện thực.

Đây là lần đầu tiên trên thị trường chứng khoán có cổ phiếu giao dịch nửa vời. Trước đây, cũng có một số trường hợp cổ phiếu được đặt trong tình trạng lưu ý hoặc tạm ngưng giao dịch, song chưa có trường hợp nào chỉ được giao dịch trong đợt khớp lệnh định kỳ vào đợt khớp lệnh đóng cửa mỗi ngày, không được phép giao dịch thỏa thuận.

Tuần cuối cùng của tháng 9 cũng đã đón nhận nhiều thông tin tích cực từ yếu tố vĩ mô khi mức tăng CPI cả nước hãm lại, nhập siêu trong tháng 9 đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm, với mức 500 triệu đôla.

Đến ngày 25/9, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 3,6% lên 5% một năm, đồng thời cho phép tín phiếu ngân hàng Nhà nước bắt buộc phát hành ngày 17/3/2008 được cầm cố để vay vốn, chiết khấu tại ngân hàng Nhà nước. Phản ứng tích cực của chính sách này là một loạt ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay, có nơi thấp nhất là 17,5% một năm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, những bất ổn của thị trường tài chính Mỹ vẫn chưa đi đến hồi kết khi có thêm ngân hàng Washington Mutual Inc, ngân hàng tiết kiệm lớn nhất của Mỹ sụp đổ với mức nợ xấu cực kỳ nguy hiểm. Trong khi khoản kinh phí 700 tỷ đôla cho kế hoạch giải cứu ngành tài chính chưa được Quốc hội Mỹ thông qua.

Nhiều người lo ngại chứng khoán tuần sau sẽ có những phiên điều chỉnh từ những tác động xấu của tài chính thế giới.

So với tuần trước, nhà đầu tư nước ngoài trong tuần này nghiêng về mua vào. Bình quân mỗi phiên khối ngoại gom 5,2 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, bán ra 3,4 triệu chứng khoán.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index cũng trải qua 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, tích lũy tổng cộng 14,57 điểm, hiện dừng ở 160,31. Mỗi phiên có 11 triệu chứng khoán giao dịch, đạt giá trị 386,4 tỷ đồng.

VNExpress