Nhà đầu tư dè dặt dù Vn-Index tăng

Saturday, November 1, 2008 |

Ngày 31/10, chứng khoán khép lại tuần giao dịch bằng phiên tăng thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn nghe ngóng và chưa mạnh dạn quay lại thị trường khiến khối lượng giao dịch tiếp tục sụt giảm.

Diễn biến tốt đẹp của chứng khoán thế giới phiên 30/10 đã tăng thêm tự tin cho thị trường trong nước phiên sáng nay. Vn-Index kết thúc đợt một tại 343,22 điểm, tăng 6,65 điểm, tương đương 1,98%. Lượng thực hiện đạt 3,11 triệu chứng khoán, giá trị giao dịch tương ứng 85,1 tỷ đồng.

Nhóm 20 cổ phiếu đứng đầu về giá trị vốn hóa đều mang sắc xanh. Trong đó một số mã như FPT, STB, hay PPC duy trì giao dịch tại giá trần trong toàn bộ phiên. Những cổ phiếu lớn khác như SSI, VNM, REE, HPG hay DPM cũng đều kết thúc ngày với mức tăng gần hết biên độ cho phép.

Tuy tăng điểm nhưng không khí giao dịch tại HOSE khá trầm lắng. Tính thanh khoản không những không được cải thiện mà còn đi xuống so với phiên trước. Phần lớn các mã đều có dư mua và dư bán, tuy nhiên cả bên cung và cầu đều không thực sự muồn mua hoặc bán bằng mọi giá. Như vậy, qua hai phiên gần đây khối lượng giao đều sụt giảm.

Nhà đầu tư tỏ ra dè dặt trong giao dịch dù diễn biến của thị trường trong 3 phiên giao dịch gần đây là rất khả quan. Ảnh: Hoàng Hà.
Nhà đầu tư tỏ ra dè dặt trong giao dịch dù diễn biến của thị trường trong 3 phiên giao dịch gần đây là rất khả quan. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo các chuyên gia của công ty Chứng khoán SME, cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ lan ra các nước Châu Âu và bây giờ đã thực sự ảnh hưởng toàn diện đến các nước Châu Á, khu vực kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam. Dù các nước đang cố gắng bằng mọi biện pháp để chống chọi và vượt qua cơn khủng hoảng này nhưng kết quả như thế nào thì không ai có thể khẳng định được. Thế nên, tâm lý của nhà đầu sẽ còn tiếp tục mất ổn định.

Kinh tế trong nước dẫu có tín hiệu tích cực như CPI giảm, lãi suất và giá xăng dầu cùng hạ, nhưng chưa đủ để cho thấy sự ổn định bền vững. Chính điều này đã tạo ra sự dè dặt của nhà đầu tư khi quyết định tham gia thị trường. Diễn biến này thể hiện ở tính thanh khoản sụt giảm trong 2 phiên tăng gần đây.

Có cùng quan điểm trên, một chuyên gia chứng khoán khác cũng cho biết. Để chứng khoán khởi sắc trở lại, diễn biến tốt từ thị trường thế giới là chưa đủ mà còn cần những chuyển biến mạnh hơn nữa từ thị trường trong nước.

Hiện tại, một số chỉ số cơ bản về vĩ mô đã khả quan hơn nhưng nhìn chung các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong quý III vừa qua, kết quả kinh doanh của nhiều công ty tuy bằng hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nếu phân tích kỹ lại thể hiện sự sa sút đáng lo ngại. Nguyên do là, khác với năm 2007, quy mô vốn của đa số công ty niêm yết trong năm nay đều tăng đáng kể. Vậy nên việc kết quả kinh doanh bằng hoặc chỉ nhỉnh hơn đôi chút thực tế có thể coi là một bước lùi trong hoạt động.

Kết thúc đợt khớp lệnh thứ hai, Vn-Index tiếp tục tăng tốc, từ đó nâng số điểm cộng lên mức 9,21 điểm, tương đương 2,74%, chốt tại 345,78 điểm. Số chứng khoán sang tên trong đợt này đạt 10,49 triệu, giá trị 292,03 tỷ đồng.

15 phút của đợt khớp lệnh định kỳ thứ 3 đã khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 với giá trị 347,05 điểm của Vn-Index. So với phiển trước, chỉ số này tăng 3,11% ngang với số điểm cộng 10,48 điểm.

Trên toàn sàn HOSE, đã có 14,57 triệu chứng khoán được sang tên, ứng với giá trị 435,01 tỷ đồng. Qua giao dịch thỏa thuận, đã có 1,9 triệu cổ phiếu được khớp, giá trị 68,32 tỷ đồng.

Toàn sàn có 117 mã tăng, 19 mã đứng giá, và 30 mã giảm.

Cơn mưa xối xả tại Hà Nội sáng nay không thể ngăn đà đi lên của chứng khoán sàn Hà Nội. HaSTC-Index đóng cửa tại 114,88 điểm, tiến thêm 2,94 điểm, tương đương 2,63%. Lượng giao dịch toàn sàn đạt 7,95 triệu cổ phiếu, giá trị 234,13 tỷ đồng.

Chứng khoán Mỹ khởi sắc

|

Phố Wall tìm lại sức sống nhờ Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) và một số nước khác cắt giảm lãi suất, thị trường cho vay tiếp tục cải thiện và đặc biệt là GDP của Mỹ khả quan hơn dự kiến.

Chỉ số Dow Jones tăng 2,11% lên 8.180,69 điểm. Nasdaq đóng cửa tại 1.698,52 điểm, cao hơn phiên trước 2,49%. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) chốt ở mức 954,09 điểm, cộng thêm 2,58%.

Ông Gary Hager, Tổng giám đốc Quỹ Integrated Wealth Management, cho hay, chứng khoán đang trong quá trình hình thành đáy. Theo ông, những phiên biến động mạnh vẫn sẽ có trong thời gian tới, tuy nhiên tính dao động thất thường, vốn xuất hiện nhiều trong thời gian qua, sẽ giảm vào cuối năm, sau khi cuộc bầu cử Tổng thống kết thúc.

Không chỉ được hỗ trợ bởi việc FED cắt giảm lãi suất, tâm lý nhà đầu tư phố Wall còn được trấn an bởi diễn biến tại châu Á khi Hong Kong, Đài Loan và Trung Quốc đồng loạt cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Nhật dự đoán cũng hạ lãi suất vào hôm nay.

Thị trường cho vay tại Mỹ sau những nỗ lực của Chính phủ đã được cải thiện đáng kể. Theo FED, giao dịch các phiếu chi thương nghiệp, một dạng vay ngắn hạn của các công ty nhằm phục vụ cho hoạt động hàng ngày, lần đầu tiên sau gần 2 tháng đã trở nên sôi động. Theo số liệu mới công bố, GDP giảm 0,3% trong quý III. Mức đi xuống này khả quan hơn dự tính xuống 0,5% của các nhà phân tích. Dẫu sao, kết quả GDP quý này vẫn là tồi nhất trong 7 năm trở lại đây. Trước đó, GDP quý II tăng 2,8%.

Phố Wall có một tuần giao dịch tốt đẹp nhưng tháng 10 vẫn là một khoảng thời gian đen tối trong lịch sử phố Wall. Ảnh: treehugger.com.
Phố Wall có một tuần giao dịch tốt đẹp nhưng tháng 10 vẫn là một khoảng thời gian đen tối trong lịch sử phố Wall. Ảnh: treehugger.com.

Phiên ngày 31/10, đánh dấu một tuần giao dịch khá tốt đẹp, nhưng đã khép lại tháng tồi tệ nhất trong lịch sử phố Wall. Sau tháng qua, Dow Jones bị trừ tới 1.670 điểm, tương đương 15,4%. Mức thiệt hại 18,4% và 18,2% của Nasdaq và S&P 500 cũng thuộc loại lớn nhất từ trước tới nay.

Chứng khoán châu Á hôm qua đã có một phiên giao dịch không thể tốt hơn khi các chỉ số chính đều tăng mạnh. Động lực cho phiên tăng này bắt nguồn từ tin tốt tại Mỹ, và đặc biệt là những chuyển biến tích cực của thị trường tiền tệ và ngân hàng.

Nhờ đồng won hồi phục 14,2% so với đôla, mức kỷ lục trong 11 năm qua, chứng khoán Hàn Quốc đã thăng tiến mạnh mẽ. Chỉ số KOSPI của từ đó đã lập kỷ lục mới với mức tăng 11,95%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật đi lên 9,96% nhờ đồng yen mất giá so với đồng đôla, giúp nhóm cổ phiếu xuất khẩu tăng mạnh. Ngân hàng Trung ương Nhật dự kiến cắt giảm lãi suất sau cuộc họp vào thứ sáu. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đi lên với tốc độ tên lửa khi được cộng thêm tới 12,82%. Chứng khoán Trung Quốc cũng chứng kiến chỉ số Shanghai Composite leo lên 2,55%.

Thị trường cổ phiếu châu Âu cũng hòa chung niềm vui lên điểm với Mỹ và châu Á. Chỉ số FTSE 100 của Anh tiến bước 1,16%. Chỉ số DAX của Đức lên 1,26%. Chứng khoán Pháp hồi phục nhẹ 0,26%.

Tuy nhiên, thị trường bất ngờ đổi hướng trong sáng nay. Tính tới 10h ngày 31/10 (theo giờ Hà Nội), chỉ số Nikkei 225 xuống 2,72%. Chỉ số Hang Seng giảm 3,27%. Chỉ số Shanghai mất 0,99%. Chỉ số KOSPI nhích thêm được 0,5%.

VNE

-Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần và cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10 thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng điểm và sau nhiều phiên ảm đạm với sự giảm sút liên tục thì đây đã là phiên thứ 3 liên tiếp tăng điểm của chỉ số VN-Index.

Trước phiên giao dịch này, thị trường đã có 2 phiên giao dịch khởi sắc trở lại về cả khối lượng giao dịch và điểm số của VN-Index, thống kê trong 2 phiên vừa qua cho thấy sức cầu đã tăng lên khá mạnh sau khi giá chứng khoán đã giảm khá sâu.

Trong khi đó thông tin về thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục được giới đầu tư quan tâm bởi thời gian qua VN-Index đã nhiều phiên đồng điệu với chứng khoán thế giới, và thông tin thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch kết thúc rạng sáng nay theo giờ VN đã tăng điểm trở lại, trong khi đó thị trường chứng khoán khu vực Châu Á trong 2 phiên vừa qua cũng có mức tăng ấn tượng.

Mặt khác thông tin giá xăng dầu tiếp tục được thông báo giảm xuống cũng là yếu tố khá tích cực hỗ trợ thị trường.

Phản ứng với những thông tin hỗ trợ khá tốt, ngay từ đầu phiên cổ phiếu đã phần đã tăng giá, chỉ số VN-INdex tăng 6,65 điểm (tương đương tăng 1,97%) lên 342,22 điểm. Khối lượng giao dịch trong đợt 1 giảm xuống còn hơn 3,1 triệu đơn vị với giá trị là 85,1 tỷ đồng.

Đợt khớp lệnh liên tục tiếp tục diễn biến tốt với điểm số có được dần được nâng cao, sức nặng cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ cũng được hoá giải khi mã này tăng nhẹ trở lại, VN-Index theo đó cũng tăng khá mạnh 9,21 điểm (tương đương tăng 2,73%) lên 345,78 điểm. Khối lượng giao dịch qua đợt 2 này tăng lên gần 10,5 triệu đơn vị với giá trị đạt 292 tỷ đồng.

Xu hướng tăng điểm tiếp tục được giữ vững và kết thúc giao dịch chỉ số VN-Index tăng mạnh 10,48 điểm (tương đương tăng 3,11%) lên 347,05 điểm.

Như vậy sau 1 tuần giao dịch với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm, chỉ số VN-Index tăng thêm được 1,94 điểm (tức tăng 0,56%) so với mức điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước.

Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ phiên này tiếp tục giảm xuống so với phiên giao dich hôm qua khi chỉ có hơn 12,22 triệu đơn vị được chuyển nhượng với giá trị là 333,77 tỷ đồng.

Trong tổng số 162 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết trên sàn HOSE (thêm HLA của CTCP Hữu Liên Á Châu niêm yết 19 triệu cổ phiếu và OPC của Dược phẩm OPC niêm yết 8,19 triệu cổ phiếu hôm qua) đã có 117 mã tăng giá, 19 mã đứng giá và còn lại là 30 mã giảm giá.

Nhóm 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất sàn phiên này hỗ trợ mạnh chi VN-Index khi toàn bộ các mã nhóm này đều tăng giá trong đó có đến 8 mã tăng giá trần.

Cụ thể, các mã tăng giá trần gồm: FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (+3.500 đồng lên 74.500 đồng/cp), VNM của Vinamilk (+3.500 đồng lên 78.000 đồng/cp), STB của Sacombank (+1.000 đồng lên 21.800 đồng/cp), SSI của Chứng khoán Sài Gòn (+1.500 đồng lên 31.800 đồng/cp), VIC của Vincom (+3.000 đồng lên 71.500 đồng/cp), PPC của Nhiệt điện Phả Lại (+1.000 đồng lên 22.300 đồng/cp). Cổ phiếu HPG của Hoà Phát sau nhiều phiên giảm giá cũng đã tăng trần (+1.500 đồng lên 32.500 đồng.cp).

2 mã có mức tăng nhẹ nhóm này là DPM của Đạm Phú Mỹ (+500 đồng lên 47.000 đồng/cp) và PVD của PV Drilling (2.000 đồng lên 80.000 đồng/cp).

Những cổ phiếu giảm giá phiên này có mặt 2 tân binh HLA và OPC, ngoài ra còn một số mã khác đáng chú ý như NTL của Nhà Từ Liêm, PAC của Pinaco, NKD của Kinh Đô Miền Bắc, VTO của Vận tải Xăng dầu VITACO, LSS của Mía đường Lam Sơn...

Cổ phiếu STB tiếp tục dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh nhưng đã giảm khá mạnh do khối lượng bán hạn chế (1,15 triệu cp), sau đó là DPM (0,97 triệu cp), HPG (0,73 triệu cp), SAM (0,66 triệu cp), SSI (0,56 triệu cp), REE (0,5 triệu cp), VTO (0,36 triệu cp)...