Khối ngoại tiếp tục xả hàng

Sunday, November 2, 2008 |

Tuần giao dịch vừa qua đã khép lại một tháng đầy sóng gió với các nhà đầu tư khi Vn-Index và HaSTC-Index đi xuống lần lượt 24% và 22,2%. Trong đó, khối ngoại vẫn khiến nhà đầu tư trong nước bất an khi đẩy mạnh bán ra cả cổ phiếu và trái phiếu.

Sau 5 phiên liên tiếp, chứng khoán đã có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chỉ số Vn-Index sau phiên cuối cùng của tháng có giá trị 347,1 điểm, nhỉnh hơn tuần trước 1,99 điểm, tương đương 0,57%, nhưng lại sụt 24%so với cuối tháng 9. So với tuần trước, tính thanh khoản được cải thiện đáng kể. Trung bình 17,6 triệu chứng khoán được sang tên mỗi phiên, cao hơn 26% so với tuần trước, giá trị tương ứng khoảng 527,07 tỷ đồng.

Nếu không tính giao dịch thỏa thuận, giá trị giao dịch cả tuần đạt hơn 1.991 tỷ đồng, bình quân phiên hơn 398 tỷ đồng, tăng 11,5% so với tuần thứ ba của tháng.

Điểm lại những ngày qua, diễn biến của thị trường chịu tác động lớn từ biến động tại phố Wall cũng như thị trường tài chính thế giới. Tin xấu từ thị trường tài chính quốc tế tác động lên thị trường trong nước khiến Vn-Index phá đáy cũ 366 điểm và liên tục xác lập đáy mới vào tuần trước. Đỉnh điểm là phiên 28/10, hàn thử biểu chỉ còn cách mốc chẵn 300 vỏn vẹn hơn 22 điểm.

Xu hướng bán mạnh hơn mua của khối ngoại trong nhiều tuần qua khiến nhà đầu tư nội không khỏi lo ngại. Ảnh: Hoàng Hà.
Xu hướng bán mạnh hơn mua của khối ngoại trong nhiều tuần qua khiến nhà đầu tư nội không khỏi lo ngại. Ảnh: Hoàng Hà.

Tuy nhiên, cũng chính từ thời điểm này, diễn biến tích cực của thị trường quốc tế, với điểm nhấn của việc Ngân hàng Trung ương của một loạt quốc gia như cắt giảm lãi suất, đã tạo động lực cho cổ phiếu tăng điểm trong 3 phiên liên tiếp. Từ đó, tạm thoát khỏi đáy mới.

Tuy tình hình chung của cả tuần là khá khả quan, nhà đầu tư vẫn có lý do để lo lắng cho xu hướng thị trường thời gian tới. Mối lo lớn nhất hiện vẫn là xu hướng bán mạnh hơn mua của khối ngoại, cả trái phiếu lẫn cổ phiếu. Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua vào 7,25 triệu nhưng bán ra tới 17,75 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ tại HOSE.

Qua giao dịch trái phiếu, lượng hàng bị xả vào thị trường cũng rất lớn. Chỉ trong 4 ngày đầu tuần, số trái phiếu bị khối ngoại bán đã là 80 triệu trái phiếu, giá trị 7.345 tỷ đồng. Lượng mua vào chưa được một nửa lượng bán, chỉ khoảng 31,86 triệu, ứng với giá trị 2.891,71 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC-Index bước vào tháng 11 từ mức điểm 114,88 điểm, cao hơn tuần trước 3 điểm, tương đương 2,68%. Tuy nhiên, sau tháng 10, chỉ số này mất tới 22,2%.

Trung bình mỗi phiên tuần qua, đã có 8,72 triệu cổ phiếu được sang tên, giá trị tương ứng 220,03 tỷ đồng.

Chứng khoán Mỹ tăng điểm vào phiên thứ sáu 31/10, từ đó chốt lại một tuần khá thành công. Tuy nhiên, tuần giao dịch vừa qua chỉ là điểm sáng hiếm hoi của một trong những tháng tồi tệ nhất lịch sử chứng khoán Mỹ.

Sau phiên 31/10, chỉ số Dow Jones tăng 1,57% lên mức 9.325,01 điểm. Đây là lần đầu tiên trong tháng 10, chỉ số đại diện cho các tập đoàn công nghiệp hàng đầu có hai phiên tăng liên tíếp. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) lên 1,5%, kết thúc tháng tại 968,75 điểm. Chỉ số Nasdaq có giá trị 1.720,95 điểm, cao hơn phiên trước 1,32%.

Tính cả tuần, Dow Jones lên 10,1%, S&P 500 tăng 9,5% và Nasdaq tăng 9,8%. Bất kể đà hồi phục trên, tháng 10 vẫn là một trong những tháng tồi tệ nhất trong lịch sử. Chỉ số Dow Jones rơi 1.526 điểm, tương đương 14,1%, mức giảm mạnh nhất tính theo điểm kể từ năm 1901. Mức giảm của Nasdaq và S&P 500 lần lượt là 17,4% và 16,9%. Tính theo điểm số, đà đi xuống tính theo tháng với S&P 500 là thảm hại nhất kể từ 1930.

Bất kể xu hướng tăng những ngày cuối tháng, hiện tượng giới đầu tư rút tiền ra khỏi các quỹ đầu tư đang xảy ra nhiều hơn bao giờ hết. Theo thống kê của Trim Tabs, tuần qua có 9,2 tỷ đôla bị rút khỏi các quỹ tương hỗ, cao hơn nhiều so với 6,5 tỷ đôla của tuần trước.

Bất kể những phiên tăng gần đây, tháng 10 vừa qua chỉ số Dow Jones có mức giảm tính theo điểm lớn nhất kể trong hơn một thế kỷ trở lại đây. Ảnh:
Bất kể những phiên tăng vừa qua, chỉ số Dow Jones có mức giảm tháng tính theo điểm lớn nhất trong hơn một thế kỷ trở lại đây. Ảnh: cache.daylife.com.

Hai tập đoàn dầu là Chevron và Exxon Mobil cùng công bố doanh số và lợi nhuận quý bằng hoặc cao hơn dự kiến. Trong đó, doanh số quý III vừa qua của Exxon Mobil thậm chí đạt cao nhất trong lịch sử công ty.

Tuy nhiên, hai hãng trên chỉ là những trường hợp cá biệt trong các doanh nghiệp Mỹ. Các công ty, thuộc S&P 500, công bố kết quả quý III tính tới thời điểm này có lợi nhuận đi xuống 11,7% so với cùng kỳ 2007.

Tại châu Á, phần lớn các chỉ số chính đều mất điểm. Việc ngân hàng Trung ương Nhật vừa hạ lãi suất từ 0,5% xuống còn 0,3% nhằm chống lại khủng hoảng đã không đủ để giúp chứng khoán đi lên. Chỉ số Nikkei 225 của nước này giảm 5,1%. Tuy vẫn tăng 12% sau tuần qua nhưng tính trong tháng 10 chỉ số này hạ 24%, mức cao nhất trong lịch sử.

Tốc độ giảm 2,56% trên chỉ số Hang Seng của Hong Kong phiên cuối tuần là không đáng kể so với đà tăng 26,8% mà Hang Seng thu được sau 5 ngày giao dịch gần đây. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 1,97% trong phiên thứ 6, hiện thấp hơn tuần trước 0,31%.

Với điểm nhấn cắt giảm lãi suất nhanh kỷ lục vào đầu tuần, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đã tăng 17,6% sau 5 ngày liên tiếp. Phiên cuối tuần chứng kiến chỉ số này được cộng thêm 2,61%.

Thị trường cổ phiếu châu Âu kết thúc tuần giao dịch một cách đầy phấn chấn. Chỉ số FTSE 100 của Anh được cộng thêm 2%. Chỉ số DAX của Đức tăng 2,44%. Chỉ số CAC 40 của Pháp được nâng thêm 2,33%.

Tính chung cả tuần, FTSE đi lên 12,7%, còn DAX và CAC 40 cùng có số điểm cộng trên 16,1%.

Giao dịch phiên này sụt giảm so với phiên giao dịch hôm qua, toàn thị trường có 14,57 triệu đơn vị giao dịch trị giá 43 tỷ đồng. Trong tổng số 166 mã niêm yết trên Hose, số mã tăng giá đã chiếm thế áp đảo khi có tới 117 mã tăng, 19 mã đứng giá và 29 mã giảm giá.

Trong nhóm tăng giá, DHG là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với mức tăng 5.000 đồng/CP, cổ phiếu TCT và VPL cùng tăng 4.000 đồng/CP, BMC và FPT cùng tăng 3.500 đồng/CP. Tính theo % kết thúc phiên không mã nào có mức tăng kịch trần 5%.

Nhóm 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn nhất sàn phiên này hỗ trợ mạnh cho Vn-Index khi toàn bộ các mã nhóm này đều tăng giá trong đó có đến 8 mã tăng giá trần, chỉ có 2 mã DPM và PVD là chưa tăng hết biên độ.

Chốt phiên, tân binh OPC vẫn là mã giảm điểm mạnh nhất với mức giảm 3.000 đồng/CP, các vị trí tiếp theo thuộc về VSC, SHC, ACL và DCL. Toàn phiên chỉ có ACL và GMC giảm hết biên độ 5%.

Về giao dịch, sự sôi động vẫn chỉ tập trung vào các mã blue-chips, STB tiếp tục dẫn đầu với 1,151 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, các mã tiếp theo là DPM, HPG, SAM và SSI đều có giao dịch dưới 1 triệu đơn vị.

Bên sàn Hà Nội, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, Hastc-Index tăng 2,94 điểm lên 114,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 7,95 triệu cổ phiếu, tương đương 234,12 điểm.

Kết thúc phiên, thị trường có 115 cổ phiếu khớp lệnh trên giá tham chiếu, 29 cổ phiếu giảm giá, còn lại đứng giá hoặc không có giao dịch.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn là SCJ, NBC, PVS, S99 và ACB với mức tăng từ 2.100 - 3.200 đồng/CP. Bên cạnh đó, vẫn có các cổ phiếu bị bán sàn với khối lượng lớn là VSP (giảm 4.900 đồng), MIC (giảm 3.200 đồng), KBC, DTC và DBC cũng nằm trong top 5 cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn trong phiên giao dịch sáng nay.

Đặc biệt, cổ phiếu VSP đầu phiên có dư bán giá sàn gần 300.000 đơn vị. Sau gần 1 tiếng giao dịch, số cổ phiếu giá sàn đột ngột được khớp hết, VSP tăng gần 5.000 đồng. Tuy nhiên đến cuối phiên cổ phiếu này vẫn bị bán mạnh và trở thành cổ phiếu có khối lượng giao dịch đứng thứ hai trên sàn (500.000 CP), sau cổ phiếu ACB (1 triệu CP).

Đặc biệt phiên này, các cổ phiếu Sông Đà được các nhà đầu tư khá quan tâm. Hàng loạt cổ phiếu mang mã SD tăng trần vào cuối phiên như SD3, SD4, SD7, SD9… Các cổ phiếu khác cũng tăng trần trở lại sau một thời gian bị nằm sàn là BVS, CCM, HPC, KLS…

Phiên này, nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh cổ phiếu BVS của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (163.000 CP) và cổ phiếu NTP của CTCP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (165.000 CP), mua nhiều nhất là cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (trên 100.000 CP). Khối ngoại cũng đã ngừng bán ra cổ phiếu PVI của CTCP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam.

Hiện tại, xu hướng tăng hay giảm của thị trường vẫn phải chờ đợi vào phiên giao dịch thứ Hai (ngày 3/11) khi các cổ phiếu mua tại thời điểm Vn-Index rơi xuống mức 313 điểm và Hastc-Index xuống dưới 100 điểm đã về đến tài khoản các nhà đầu tư.Đà tăng ngày càng được củng cố