Nên "cắt lỗ" khi cổ phiếu giảm 5 - 10%

Sunday, October 5, 2008 |

“Khi tham gia lướt sóng các nhà đầu tư nên “cắt lỗ” khi giá cổ phiếu giảm 5 - 10% và bán ra khi đạt mức lợi nhuận khoảng 30%. Nếu là nhà đầu tư tôi sẽ không tham gia thị trường vào lúc này”.


Đó lời lời khuyên của ông Ken Tai Chee Ming, 1 trong 7 chuyên gia phân tích kỹ thuật đạt chuẩn CMT tại Singapore tại hội hội thảo “Lướt sóng - Cơ hội và rủi ro” vừa được tổ chức tại TPHCM với sự tham dự của gần 300 nhà đầu tư.

Thị trường thế giới có xu hướng đi xuống

Ông Ken Tai đã dẫn lại các số liệu thống kê từ các cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ và dự đoán rằng khủng hoảng tài chính có nhiều khả năng còn kéo dài.


Đầu tiên là đại suy thoái 1930, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm tới 87,5%, khủng hoảng tài chính năm 1966 có mức suy giảm thấp nhất là 22,3%. Trung bình 40,9% cho mỗi đợt khủng hoảng với thời gian dài nhất là 931 ngày cho cuộc đại suy thoái 1930 và ngắn nhất là 60 ngày vào năm 1966.


“Xu hướng của thị trường chứng khoán Mỹ còn đi xuống và sẽ kéo dài cho đến tháng 10/2009”, ông Ken Tai nhận định.


Nhìn về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Ken Tai cho rằng: “Trong quý 3/2008, chỉ số Vn-Index đã tăng trưởng mạnh hơn so với thị trường chứng khoán châu Á và thế giới. Trong khi chỉ số chứng khoán châu Á giảm thì chứng khoán Việt Nam lại phục hồi và tăng”.


Dẫn lại các số liệu từ hãng tin Bloomberg, thị trường châu Á và Thái Bình Dương có chỉ số PE dao động từ 7,64 đến 20,37, chỉ số PB từ 1,22 đến 2,83. Còn ở Việt Nam, chỉ số PE trung bình của các công ty niêm yết trên sàn tính đến ngày 29/9 là 20,21, chỉ số PB là 3.56 gần sát với chỉ số PE và PB của Trung Quốc.


Lợi nhuận mang lại khi đầu tư vào chứng khoán trong giai đoạn này là 4,95 %/năm. Ông Ken Tai cho rằng lợi nhuận mang lại khi đầu tư không đủ bù cho mức lạm phát hiện nay và nhất là khi so sánh với lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay đang ở mức cao.


Chọn cổ phiếu nào để đầu tư?


Kinh tế Mỹ và Châu Âu đang tăng trưởng chậm lại như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu các hàng hóa ở các nước đó trong các mặc hàng xăng dầu, thực phẩm, may mặc… Do đó, theo ông Ken Tai cổ phiếu của các công ty chủ yếu dựa vào thị trường nội địa là cổ phiếu tốt để đầu tư như các công ty dược, sữa...
Ngoài ra, công ty đó còn phải có bảng cân đối kế toán mạnh nghĩa là sử dụng ít nợ vay, đòn bẩy tài chính thấp.
Các nhà đầu tư cũng chỉ nên nắm giữ 3 - 5 cổ phiếu trong danh mục, nếu nắm chỉ 2 cổ phiếu thì sẽ hơi rủi ro khi cả hai cổ phiếu đều giảm, nếu nắm trên 5 cổ phiếu thì sẽ không theo dõi kịp những biến động của thị trường để đưa ra quyết định chính xác.


Khi lướt sóng, các nhà đầu tư nên “cắt lỗ” khi giá cổ phiếu giảm 5 - 10% và bán ra khi đạt mức lợi nhuận khoảng 30%. Nếu thị trường đang trong xu hướng đi xuống thì những lúc thị trường đột nhiên tăng trở lại thì đó là thời điểm tốt nhất để cắt lỗ.


Về rủi ro của việc lướt sóng trong thời điểm này ông Ken Tai cho rằng sau khi phục hồi 50% thị trường điều chỉnh đi xuống tương đối sâu và còn có khả năng đi xuống, mua cổ phiếu trong thời điểm thị trường đang đi xuống tương đối gặp rủi ro cao.


“Nếu là nhà đầu tư tôi sẽ không tham gia thị trường vào lúc này”, ông Ken Tai cho biết quan điểm đầu tư của mình.
Tuy nhiên đánh giá về cơ hội của việc lướt sóng thì ông Ken Tai nhận định: “Trong xu hướng đi xuống, thị trường sẽ có những đợt phục hồi ngắn hạn, những thời điểm thị trường đảo chiều là những cơ hội tốt để kiếm lợi nhuận. Trong tình hình hiện nay và theo các phân tích kỹ thuật, các nhà đầu tư nên đầu tư ngắn hạn trong thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng và đây chưa phải là thời điểm để đầu tư dài hạn”.

Dân trí

Bất chấp những viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế được vẽ ra bởi tổng thống Bush và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thị trường đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tác dụng của bản kế hoạch giải cứu thị trường trị giá 700 tỷ USD.

Kế hoạch 700 tỷ USD cuối cùng đã được thông qua. Ông Steny Hoyer, một nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện, nhận xét: “Khủng hoảng khiến chúng ta đoàn kết với nhau theo cách rất khác thường”. Kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện là 262 phiếu thuận - 171 phiếu chống, ngược hẳn với kết quả trong lần bỏ phiếu lần trước là 228 phiếu chống - 205 phiếu thuận.


Lý do khiến bản kế hoạch không được thông qua vào hôm thứ Hai là bởi nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng bản kế hoạch không mang lại lợi ích gì cho người nghèo và lo ngại người dân sẽ bỏ phiếu đẩy họ khỏi vị trí hiện nay.
Kế hoạch thất bại khiến thị trường chứng khoán sụt giảm và làm nổ ra một chiến dịch nỗ lực thay đổi bản kế hoạch ở mức độ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Đến cuối cùng, khá nhiều điều khoản không liên quan với nhau đã được đưa vào, đó là nâng mức trần bảo hiểm tiền gửi và hỗ trợ cho trẻ em.
Người ta đang đặt ra câu hỏi: tác dụng của bản kế hoạch trên đến đâu?


Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất khoảng 1 tuần để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho phiên đấu giá mua tài sản thế chấp đầu tiên. Bộ trưởng Tài chính có quyền quyết định hành động sớm hơn, ông sẽ quyết mua lại tài sản thế chấp từ tổ chức nào hoặc có thể rót vốn vào nếu tổ chức đó gần sụp đổ.


Tốc độ ứng cứu thị trường nay rất quan trọng bởi ngân hàng rất ngại cho vay tiền liên ngân hàng, ngoại trừ việc cho vay với mức lãi suất thật cao hay khoảng thời gian vay rất ngắn. Phần lớn ngân hàng muốn lấy lại tiền chỉ trong vài ngày. Lượng tiền lớn từ FED và một số ngân hàng trung ương khác không đủ để giải quyết cơn sốt tiền này.


Tệ hại hơn, các khoản vay ngắn hạn dành cho các công ty đang giảm đi đáng kể. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các tập đoàn lớn cũng như các công ty nhỏ. Những công ty thuộc lĩnh vực bán lẻ cũng cho biết khó khăn trong khả năng tài chính để mua đủ hàng tích trữ cho đợt bán hàng mùa nghỉ lễ.


Nhiều công ty cho rằng một số ngân hàng đang viện dẫn lý do thị trường hỗn loạn để giảm tín dụng hoặc tăng phí đối với các khoản vay mới, điều này không khỏi khiến các doanh nghiệp không chắc chắn được họ sẽ còn trả lương nhân viên hay mua nguyên liệu thô được bao lâu nữa.


Kế hoạch không có nhiều tác dụng để thị trường giảm lo lắng, không đủ trấn an những nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngay cả sau khi bản kế hoạch 700 tỷ được thông qua. Nhà đầu tư, những người còn đầy nghi ngờ về tác dụng của kế hoạch giải cứu, đã đẩy chỉ số Dow Jones hạ 1,5%.


Ngay đến tổng thống Bush cũng đề nghị người Mỹ hãy giữ bình tĩnh: “Nên hiểu rằng để kế hoạch này phát huy tác dụng cần có thời gian. Khi dòng chảy tín dụng thông suốt, nhiều doanh nghiệp sẽ có khả năng điều tiết công viêc kinh doanh tốt hơn. Các gia đình có thể vay tiền mua nhà, xe ô tô và học đại học...”
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ngài tổng thống và người ủng hộ của ông đã vẽ ra bức tranh quá hào nhoáng về triển vọng nền kinh tế.


Ông Christian Menegatti, chuyên gia phân tích tại RGE Monitor, nhận xét kế hoạch không có bất kỳ dấu hiệu nào sẽ mang lại ổn định cho thị trường nhà đất hay nền kinh tế. Vấn đề khủng hoảng sẽ vẫn tồn tại và lòng tin sẽ vẫn đi xuống.


Khi những bản báo cáo về tình hình việc làm đầy tiêu cực được công bố, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể vẫn không muốn vay tiền kể cả khi các ngân hàng nới rộng chính sách tín dụng. Bản báo cáo về thị trường việc làm ngày thứ 6 vừa rồi cho biết thêm 159.000 người mất việc làm.

Ông Amiyatosh Purnanandam, giáo sư tài chính Đại học Michigan, chia sẻ: “Bạn nói với tôi rằng tôi có thể vay tiền tuy nhiên tôi không muốn vay” và “nếu người ta không mua ô tô ngay cả khi tín dụng thuận lợi thì nền kinh tế sẽ không thể khá hơn”.

Điều này đã trở thành một vòng luẩn quẩn. Người tiêu dùng không muốn chi tiêu, nền kinh tế không thể khá hơn. Sự hoảng loạn lại trở lại thị trường tài chính và Chính phủ buộc phải tiếp tục can thiệp.

Đó là lý do tại sao nhiều người lo ngại kế hoạch hỗ trợ 700 tỷ USD sẽ không phải là lần can thiệp cuối cùng của Chính phủ vào nền kinh tế.

Dân trí

Sắc đỏ phủ gần kín bức tranh chứng khoán tuần qua. Với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, Vn-Index tụt dốc 6,5% so với cuối tuần trước. Câu nói của người phương Tây "Tiền mặt là vua" đang có nhiều ý nghĩa với giới đầu tư.


Diễn biến của chứng khoán trong nước tuần qua cho thấy sự liên thông khá lớn về tâm lý với những gì đang xảy ra tại nước Mỹ. Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính bị Hạ viện Mỹ bác bỏ vào đêm chủ nhật (28/9) khiến phiên đầu tuần tại Việt Nam ngập trong sắc đỏ. Xu hướng xuống được duy trì trong phần lớn thời gian còn lại. Đặc biệt trong ngày 30/9, gần 100% cổ phiếu giảm sàn, khối lượng giao dịch chỉ là hơn 5 triệu, thấp nhất trong gần 2 tháng.
Điểm sáng hiếm hoi đến từ phiên giao dịch ngày 2/10. Vn-Index hồi phục trở lại do diễn biến bên kia bờ đại tây dương, khi mà Thượng viện Mỹ đã chấp thuận bản kế hoạch sửa đổi. Tuy nhiên, cùng hòa chung với với làn sóng giảm giá của cổ phiếu khu vực và thế giới, thị trường trong nước đã lại khép lại tuần giao dịch bằng phiên giảm điểm.
Sau 5 ngày giao dịch liên tiếp, Vn-Index đang có giá trị 452,14 điểm, thấp hơn cuối tuần trước, 31,67 điểm, tương đương 6,5%. Trung bình mỗi phiên có khoảng 14,29 triệu chứng khoán được sang tên, giá trị 522,78 tỷ đồng. So với tuần trước, khối lượng thực hiện và giá trị giao dịch sụt giảm lần lượt 34,1% và 32,3%.
Động thái của giới đầu tư Việt Nam tuần qua bám sát với từng bước đi của kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị tại Mỹ.


Khối ngoại trung bình mỗi ngày mua vào 2 triệu và bán ra khoảng 1,92 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. So với tuần trước, lượng mua sụt giảm gần hai phần ba, trong khi số cổ phiếu đẩy vào thị trường sụt 43%. Như vậy, dù vẫn mua mạnh hơn bán, lượng giao dịch của nhà đầu tư ngoại đang sụt giảm và xu hướng bán đã tăng dần.
Ông Ken Tai Chee Ming, Chuyên gia Phân tích của Tập đoàn Chứng khoán Kim-Eng, nhận định, với những dấu hiệu điều chỉnh giảm đang có, thời điểm này chưa lý tưởng để mua vào, đặc biệt với những người nhắm đến lợi nhuận trong ngắn hạn. Ông cho hay, với các nhà đầu tư đây là lúc mà câu nói của người phương Tây "Tiền mặt là vua" ứng nghiệm nhất.


Ông Ken Tai cũng cho rằng, ít nhất từ nay đến cuối năm, biến động tại Mỹ không ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Trước mắt, đà đi lên của thị trường cổ phiếu, nếu có, sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nội lực của khối đầu tư trong nước. Khối ngoại sẽ khó rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, do các quy định pháp lý cũng như đặc tính của thị trường. Dẫu sao, do biến động tài chính toàn cầu, các quỹ, tổ chức, và nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tập trung "chống đỡ" tại thị trường của họ hoặc tại các quốc gia đầu tư chiến lược, thế nên ít có khả năng nhóm này tiếp tục giải ngân trong những tháng tới.


Có cùng quan điểm trên, Giám đốc Khối Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán EuroCapital, ông Ngô Văn Minh cho rằng tuy các chỉ số chính mất điểm chủ yếu do yếu tố tâm lý trước tin xấu từ Mỹ, nhưng hiện cũng không có thông tin hỗ trợ nào đáng kể. Thậm chí, kế hoạch 700 tỷ đôla vừa được Hạ viện Mỹ thông qua cũng chỉ khiến nhà đầu tư yên tâm hơn chứ khó đảm bảo cho Vn-Index tăng điểm trong tuần tới.


Thế nên, ít nhất từ nay cho tới giữa tháng 10, khi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp được công bố, Vn-Index sẽ khó có sóng lên. Ông Minh đánh giá, trong quý III sẽ chỉ có một nhóm công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt, vì thế có thể giá cổ phiếu sẽ phân hóa khá rõ từ sau khoảng 15/10. Thế nên, tuần tới, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục, bán bớt các mã có thể có kết quả kinh doanh tồi và lựa chọn gom vào cổ phiếu tốt.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index có giá trị 152,02 điểm, sau phiên thứ sáu, xuống 8,29 điểm, ứng với 5,1%. Lượng cổ phiếu sang tên bình quân là 9,41 triệu cổ phiếu, giá trị bình quân là 339,3 tỷ đồng.
Giao dịch trái phiếu có khối lượng khoảng 8,2 triệu, giá trị 752,7 tỷ đồng.


Kế hoạch 700 tỷ USD vượt qua rào cản cuối cùng tại Hạ viện Mỹ, nhưng giới đầu tư phố Wall lập tức nhận ra rằng đây không phải là liều thuốc chữa khỏi ngay căn bệnh của thị trường.

Hôm qua Dow Jones mất thêm 157 điểm, đưa số điểm sụt giảm trong tuần lên hơn 817. Ở đầu phiên giao dịch, thị trường tăng điểm một cách hứng khởi và lấy lại trên 310 điểm ngay khi các nghị sĩ bỏ phiếu chấp nhận gói giải pháp 700 tỷ USD và Tổng thống Bush ký thông qua. Tuy nhiên, đến ngay cuối phiên, giới đầu tư trở lại với tâm lý đề phòng và ồ ạt bán ra. Dow Jones lập tức sụt 157 điểm và các chỉ số quan trọng khác đều có mức giảm điểm lớn.
Chốt ngày giao dịch cuối tuần, Dow Jones giảm 157,4 điểm, chốt lại ở 10.325,38. Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số công nghiệp để mất tổng cộng 817,75 (7,35%). Chỉ số tài chính ngân hàng Standard & Poor's 500 giảm 15,05 điểm, dừng lại ở 1.099,2 và Nasdaq sụt 29,33 điểm, xuống mức 1.947,3.


Vừa giao dịch trên thị trường, các nhà môi giới chứng khoán vừa theo dõi cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ thông qua màn hình. Giới đầu tư có phản ứng thận trọng trước việc gói 700 tỷ USD được thông qua. Ảnh: Reuters
Mức sụt giảm của phố Wall hôm qua khép lại một tuần giao dịch biến động khác thường. Hôm thứ hai, Dow Jones giảm 778 điểm sau khi Hạ viện Mỹ từ chối gói giải pháp. Ngay hôm sau, Dow Jones tăng 485 điểm do giới đầu tư kỳ vọng Chính phủ sẽ có động thái hỗ trợ nào đó. Đến thứ năm và thứ sáu, các chỉ số lại sụt mạnh.


Cả tuần qua thị trường phố Wall trở nên lộn xộn do các nhà đầu tư chưa đoán định được gói giải pháp có được thông qua hay không, và nó sẽ có tác động ra sao đến thị trường. Giới đầu tư đã trông đợi Chính phủ Mỹ cứu phố Wall bằng cách mua lại các khoản nợ xấu của các ngân hàng và định chế tài chính để cứu cả ngành này khỏi nguy cơ đổ vỡ, cũng như làm giảm tình trạng thị trường tín dụng bị đóng băng.


"Chúng ta đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng từ 3 tuần nay, và hiện chưa biết hậu quả của nó đối với kinh tế lớn đến đâu", nhà đầu tư Hank Smith của hãng Haverford Investments nói. Ông này cho rằng, kế hoạch được thông qua có thể giúp phố Wall, nhưng những hệ quả của việc thị trường tín dụng bị đóng băng trong thời gian gần đây vẫn chưa lộ diện hết.


Tuần tới sẽ là tròn một năm kể từ khi Dow Jones và S&P 500 đạt mức điểm lịch sử trên 14.000 vào tháng 10 năm ngoái. Tính từ đó đến nay, chỉ số công nghiệp đã mất 27% và chỉ số tài chính ngân hàng giảm 32%.
Chứng khoán châu Âu hôm qua khởi sắc, song tại châu Á đi xuống. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 2,26%, DAX của Đức nhích 2,41% và CAC-40 của Pháp lấy thêm 2,96%. Nikkei Index của Nhật giảm 1,94%.