Nhiều câu hỏi lớn về kế hoạch 700 tỷ USD

Sunday, October 5, 2008 |

Bất chấp những viễn cảnh sáng sủa của nền kinh tế được vẽ ra bởi tổng thống Bush và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thị trường đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn về tác dụng của bản kế hoạch giải cứu thị trường trị giá 700 tỷ USD.

Kế hoạch 700 tỷ USD cuối cùng đã được thông qua. Ông Steny Hoyer, một nghị sỹ đảng Dân chủ tại Hạ viện, nhận xét: “Khủng hoảng khiến chúng ta đoàn kết với nhau theo cách rất khác thường”. Kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện là 262 phiếu thuận - 171 phiếu chống, ngược hẳn với kết quả trong lần bỏ phiếu lần trước là 228 phiếu chống - 205 phiếu thuận.


Lý do khiến bản kế hoạch không được thông qua vào hôm thứ Hai là bởi nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng bản kế hoạch không mang lại lợi ích gì cho người nghèo và lo ngại người dân sẽ bỏ phiếu đẩy họ khỏi vị trí hiện nay.
Kế hoạch thất bại khiến thị trường chứng khoán sụt giảm và làm nổ ra một chiến dịch nỗ lực thay đổi bản kế hoạch ở mức độ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn. Đến cuối cùng, khá nhiều điều khoản không liên quan với nhau đã được đưa vào, đó là nâng mức trần bảo hiểm tiền gửi và hỗ trợ cho trẻ em.
Người ta đang đặt ra câu hỏi: tác dụng của bản kế hoạch trên đến đâu?


Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất khoảng 1 tuần để chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho phiên đấu giá mua tài sản thế chấp đầu tiên. Bộ trưởng Tài chính có quyền quyết định hành động sớm hơn, ông sẽ quyết mua lại tài sản thế chấp từ tổ chức nào hoặc có thể rót vốn vào nếu tổ chức đó gần sụp đổ.


Tốc độ ứng cứu thị trường nay rất quan trọng bởi ngân hàng rất ngại cho vay tiền liên ngân hàng, ngoại trừ việc cho vay với mức lãi suất thật cao hay khoảng thời gian vay rất ngắn. Phần lớn ngân hàng muốn lấy lại tiền chỉ trong vài ngày. Lượng tiền lớn từ FED và một số ngân hàng trung ương khác không đủ để giải quyết cơn sốt tiền này.


Tệ hại hơn, các khoản vay ngắn hạn dành cho các công ty đang giảm đi đáng kể. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các tập đoàn lớn cũng như các công ty nhỏ. Những công ty thuộc lĩnh vực bán lẻ cũng cho biết khó khăn trong khả năng tài chính để mua đủ hàng tích trữ cho đợt bán hàng mùa nghỉ lễ.


Nhiều công ty cho rằng một số ngân hàng đang viện dẫn lý do thị trường hỗn loạn để giảm tín dụng hoặc tăng phí đối với các khoản vay mới, điều này không khỏi khiến các doanh nghiệp không chắc chắn được họ sẽ còn trả lương nhân viên hay mua nguyên liệu thô được bao lâu nữa.


Kế hoạch không có nhiều tác dụng để thị trường giảm lo lắng, không đủ trấn an những nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu ngay cả sau khi bản kế hoạch 700 tỷ được thông qua. Nhà đầu tư, những người còn đầy nghi ngờ về tác dụng của kế hoạch giải cứu, đã đẩy chỉ số Dow Jones hạ 1,5%.


Ngay đến tổng thống Bush cũng đề nghị người Mỹ hãy giữ bình tĩnh: “Nên hiểu rằng để kế hoạch này phát huy tác dụng cần có thời gian. Khi dòng chảy tín dụng thông suốt, nhiều doanh nghiệp sẽ có khả năng điều tiết công viêc kinh doanh tốt hơn. Các gia đình có thể vay tiền mua nhà, xe ô tô và học đại học...”
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng ngài tổng thống và người ủng hộ của ông đã vẽ ra bức tranh quá hào nhoáng về triển vọng nền kinh tế.


Ông Christian Menegatti, chuyên gia phân tích tại RGE Monitor, nhận xét kế hoạch không có bất kỳ dấu hiệu nào sẽ mang lại ổn định cho thị trường nhà đất hay nền kinh tế. Vấn đề khủng hoảng sẽ vẫn tồn tại và lòng tin sẽ vẫn đi xuống.


Khi những bản báo cáo về tình hình việc làm đầy tiêu cực được công bố, người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể vẫn không muốn vay tiền kể cả khi các ngân hàng nới rộng chính sách tín dụng. Bản báo cáo về thị trường việc làm ngày thứ 6 vừa rồi cho biết thêm 159.000 người mất việc làm.

Ông Amiyatosh Purnanandam, giáo sư tài chính Đại học Michigan, chia sẻ: “Bạn nói với tôi rằng tôi có thể vay tiền tuy nhiên tôi không muốn vay” và “nếu người ta không mua ô tô ngay cả khi tín dụng thuận lợi thì nền kinh tế sẽ không thể khá hơn”.

Điều này đã trở thành một vòng luẩn quẩn. Người tiêu dùng không muốn chi tiêu, nền kinh tế không thể khá hơn. Sự hoảng loạn lại trở lại thị trường tài chính và Chính phủ buộc phải tiếp tục can thiệp.

Đó là lý do tại sao nhiều người lo ngại kế hoạch hỗ trợ 700 tỷ USD sẽ không phải là lần can thiệp cuối cùng của Chính phủ vào nền kinh tế.

Dân trí

0 comments: