Chứng khoán tuần qua: Tiền mặt là vua

Sunday, October 5, 2008 |

Sắc đỏ phủ gần kín bức tranh chứng khoán tuần qua. Với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, Vn-Index tụt dốc 6,5% so với cuối tuần trước. Câu nói của người phương Tây "Tiền mặt là vua" đang có nhiều ý nghĩa với giới đầu tư.


Diễn biến của chứng khoán trong nước tuần qua cho thấy sự liên thông khá lớn về tâm lý với những gì đang xảy ra tại nước Mỹ. Kế hoạch giải cứu thị trường tài chính bị Hạ viện Mỹ bác bỏ vào đêm chủ nhật (28/9) khiến phiên đầu tuần tại Việt Nam ngập trong sắc đỏ. Xu hướng xuống được duy trì trong phần lớn thời gian còn lại. Đặc biệt trong ngày 30/9, gần 100% cổ phiếu giảm sàn, khối lượng giao dịch chỉ là hơn 5 triệu, thấp nhất trong gần 2 tháng.
Điểm sáng hiếm hoi đến từ phiên giao dịch ngày 2/10. Vn-Index hồi phục trở lại do diễn biến bên kia bờ đại tây dương, khi mà Thượng viện Mỹ đã chấp thuận bản kế hoạch sửa đổi. Tuy nhiên, cùng hòa chung với với làn sóng giảm giá của cổ phiếu khu vực và thế giới, thị trường trong nước đã lại khép lại tuần giao dịch bằng phiên giảm điểm.
Sau 5 ngày giao dịch liên tiếp, Vn-Index đang có giá trị 452,14 điểm, thấp hơn cuối tuần trước, 31,67 điểm, tương đương 6,5%. Trung bình mỗi phiên có khoảng 14,29 triệu chứng khoán được sang tên, giá trị 522,78 tỷ đồng. So với tuần trước, khối lượng thực hiện và giá trị giao dịch sụt giảm lần lượt 34,1% và 32,3%.
Động thái của giới đầu tư Việt Nam tuần qua bám sát với từng bước đi của kế hoạch giải cứu thị trường tài chính trị tại Mỹ.


Khối ngoại trung bình mỗi ngày mua vào 2 triệu và bán ra khoảng 1,92 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. So với tuần trước, lượng mua sụt giảm gần hai phần ba, trong khi số cổ phiếu đẩy vào thị trường sụt 43%. Như vậy, dù vẫn mua mạnh hơn bán, lượng giao dịch của nhà đầu tư ngoại đang sụt giảm và xu hướng bán đã tăng dần.
Ông Ken Tai Chee Ming, Chuyên gia Phân tích của Tập đoàn Chứng khoán Kim-Eng, nhận định, với những dấu hiệu điều chỉnh giảm đang có, thời điểm này chưa lý tưởng để mua vào, đặc biệt với những người nhắm đến lợi nhuận trong ngắn hạn. Ông cho hay, với các nhà đầu tư đây là lúc mà câu nói của người phương Tây "Tiền mặt là vua" ứng nghiệm nhất.


Ông Ken Tai cũng cho rằng, ít nhất từ nay đến cuối năm, biến động tại Mỹ không ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. Trước mắt, đà đi lên của thị trường cổ phiếu, nếu có, sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nội lực của khối đầu tư trong nước. Khối ngoại sẽ khó rút vốn khỏi thị trường Việt Nam, do các quy định pháp lý cũng như đặc tính của thị trường. Dẫu sao, do biến động tài chính toàn cầu, các quỹ, tổ chức, và nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tập trung "chống đỡ" tại thị trường của họ hoặc tại các quốc gia đầu tư chiến lược, thế nên ít có khả năng nhóm này tiếp tục giải ngân trong những tháng tới.


Có cùng quan điểm trên, Giám đốc Khối Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán EuroCapital, ông Ngô Văn Minh cho rằng tuy các chỉ số chính mất điểm chủ yếu do yếu tố tâm lý trước tin xấu từ Mỹ, nhưng hiện cũng không có thông tin hỗ trợ nào đáng kể. Thậm chí, kế hoạch 700 tỷ đôla vừa được Hạ viện Mỹ thông qua cũng chỉ khiến nhà đầu tư yên tâm hơn chứ khó đảm bảo cho Vn-Index tăng điểm trong tuần tới.


Thế nên, ít nhất từ nay cho tới giữa tháng 10, khi kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp được công bố, Vn-Index sẽ khó có sóng lên. Ông Minh đánh giá, trong quý III sẽ chỉ có một nhóm công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt, vì thế có thể giá cổ phiếu sẽ phân hóa khá rõ từ sau khoảng 15/10. Thế nên, tuần tới, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục, bán bớt các mã có thể có kết quả kinh doanh tồi và lựa chọn gom vào cổ phiếu tốt.

Tại sàn Hà Nội, HaSTC-Index có giá trị 152,02 điểm, sau phiên thứ sáu, xuống 8,29 điểm, ứng với 5,1%. Lượng cổ phiếu sang tên bình quân là 9,41 triệu cổ phiếu, giá trị bình quân là 339,3 tỷ đồng.
Giao dịch trái phiếu có khối lượng khoảng 8,2 triệu, giá trị 752,7 tỷ đồng.

0 comments: