Phố Wall thoát hiểm nhờ kế hoạch cứu đại gia xe hơi

Thursday, December 11, 2008 |

Phố Wall bật xanh vào hôm qua 10/12, ngay khi khoản vay 14 tỷ đôla dành cho các nhà sản xuất ôtô được thông qua. Tuy nhiên, xu hướng tăng phần nào bị nguội bớt trước thông tin bi quan về tài chính, ngân sách Mỹ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,81%, lên mức 8.761,42 điểm. Chỉ số Nasdaq hồi phục 1,17%, đóng cửa tại 1.565,4 điểm. Chỉ số Standard & Poor ngừng giao dịch ở mức 899,24 điểm, cao hơn tham chiếu 1,19%.

Theo thông tin mới công bố, Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng vừa đạt được thỏa thuận về khoản vay trị giá 14 tỷ đôla dành cho hai nhà sản xuất xe hơi hàng đầu là General Motors (GM) và Chrysler. Đại gia còn lại là Ford có đủ điều kiện để vay nhưng do dự trữ tiền mặt vẫn đủ nên tạm thời công ty này chưa cần nhận hỗ trợ từ Chính phủ.

Khoản tiền trên không đủ để đưa các công ty ra khỏi khó khăn nhưng sẽ giúp hai hãng tránh nguy cơ phá sản ít nhất cho tới cuối tháng 3/2009. Từ nay đến thời điểm đó, chính quyền mới của Tổng thống Barack Obama sẽ có đủ thời gian để đưa ra những kế hoạch dài hơi hơn nhằm vực dậy ngành công nghiệp sản xuất ôtô.

Theo các nhà phân tích, sự sụp đổ của ba tập đoàn sản xuất ôtô hàng đầu nếu xảy ra sẽ là thảm họa thực sự cho kinh tế Mỹ, với hàng triệu người sẽ mất việc làm, và toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Giới đầu tư tại Mỹ phản ứng tích cực trước việc khoản vay của Chỉnh phủ cho các nhà sản xuất ôtô được thông qua. Ảnh: Jamd.

Theo ông Michael Sheldon, nhà chiến lược thị trường tại RDM Financial Group, phiên tăng vừa qua phản ánh sự phấn chấn của giới đầu tư trước việc ngành công nghiệp ôtô Mỹ bước đầu tìm được lối thoát. Tuy tăng không mạnh nhưng về dài hạn triển vọng thị trường là khá sáng sủa do có thể có nhiều thông tin hỗ trợ trong thời gian tới.

Trong một diễn biến khác, các công ty tiếp tục bị cuốn theo làn sóng cắt giảm nhân sự. Yahoo vừa cho hay sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động, tương đương 1.400 người. Dù không công bố con số chính xác, Nhà sản xuất game Electronic Arts thông báo sẽ giảm bớt nhân sự đồng thời hạ thấp triển vọng lợi nhuận năm 2009. Để cắt giảm chi phí, công ty khai mỏ của Australia là Rio Tino dự định sẽ để khoảng 14.000 nhân viên, tương đương 12,5% lao động của hãng, trên toàn thế giới nghỉ việc. Ngoài ra tập đoàn này cũng thu hẹp ngân sách dành cho đầu tư trong hai năm tới nhằm tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ đôla. Theo Bộ Lao động, từ đầu tháng 12, các công ty tại Mỹ đã cắt giảm 50 nghìn việc làm, từ đó nâng tổng số người thất nghiệp trong cả năm lên thành 1,9 triệu người.

Tại Sở Giao dịch New York, dầu tăng 1,45 đôla, chốt tại 43,52 đôla một thùng. Giá vàng có một bước tiến lớn 34,6 đôla, kết thúc phiên hôm qua được giao dịch với giá 808,8 đôla một ounce.

Tương tự như phố Wall, diễn biến tại hai thị trường lớn còn lại là châu Á và châu Âu là khá tích cực.

Ngoại trừ thị trường Anh, với mức giảm giảm 0,32% trên chỉ số FTSE 100, cả hai thị trường lớn còn lại là Đức và Pháp đều đi lên. Tại Đức chỉ số DAX của nước này được cộng 0,54%. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa cao hơn phiên trước 0,68%.

Chứng khoán châu Á bứt phá mạnh mẽ trong phiên giao dịch hôm qua. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 3,15%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tiến thêm 3,62%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bứt phá 5,59%. So với các thị trường trên, chứng khoán Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới, ghi nhận mức tăng khá khiên tốn 2,03% trên chỉ số chính Shanghai Composite.

Tính tới 9h30 sáng nay, chỉ số Nikkei giảm 0,8%. Chỉ số Hang Seng và Shanghai giảm lần lượt 1,04% và 0,61%. Chỉ số KOSPI tăng nhẹ 0,15%.

Đón khá nhiều tin tốt nhưng chỉ số VN-Index sáng 11/12 chỉ tăng điểm nhẹ và sự ảm đạm vẫn bao trùm thị trường.

Hàng loạt các thông tin hỗ trợ đã dồn dập đến với thị trường như giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 1.000 đồng/lít, chứng khoán Mỹ quay đầu tăng điểm sau một phiên điều chỉnh giảm, nhiều nước cắt giảm lãi suất đễ hỗ trợ nền kinh tế… và cuối giờ sáng nay là tin Hạ viện Mỹ đã thông qua gói trợ cứu các đại gia ngành ô tô trị giá 14 tỷ USD.

Mặc dù vậy, kết thúc đợt 1 chỉ số VN-Index của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vẫn tiếp tục mất điểm. Khối lượng giao dịch đạt mức thấp kỷ lục.

Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 1,27 điểm (tương đương giảm 0,44%) xuống còn 285,58 điểm. Trong đợt 1, tổng cộng chỉ có 0,8 triệu đơn vị được giao dịch, trị giá hơn 19 tỷ đồng.

Đợt khớp lệnh đầu tiên ghi nhận khá nhiều mã không có giao dịch, cụ thể có đến 32 mã không có giao dịch nào được thực hiện, 30 mã khác giữ mức tham chiếu, 38 mã tăng giá và 72 mã còn lại giảm giá.

Sang đợt 2, tình hình sáng sủa hơn đôi chút. Chỉ số VN-Index quay đầu tăng 1,99 điểm (tương đương tăng 0,69%) lên 288,84 điểm. Khối lượng giao dịch sau đợt này tăng mạnh lên 5,84 triệu đơn vị với giá trị là hơn 139 tỷ đồng.

Đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa kết thúc sau 15 phút giao dịch ngắn ngủi, với chỉ số VN-Index chung cuộc tăng 2,08 điểm (tương đương tăng 0,73%) lên 288,93 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường phiên này đạt 7,6 triệu chứng khoán với giá trị tương đương đạt 185 tỷ đồng. Trong đó có giao dịch thoả thuận là 40.000 cổ phiếu với giá trị là 0,8 tỷ đồng.

Chứng khoán niêm yết phiên này có khá nhiều cổ phiếu tăng giá. Cụ thể, trong tổng số 168 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết đã có 53 mã giảm giá (trong đó có 17 mã giảm giá sàn), 90 mã tăng giá (trong đó 23 mã tăng giá trần), 28 mã đứng giá và 1 mã không có giao dịch (TNA của Xuất nhập khẩu Thiên Nam).

Nhóm 10 cổ phiếu có mức vốn hoá lớn phiên này ngoại trừ VPL của Vinpear, PPC của Nhiệt điện Phả Lại giảm giá và DPM của Đạm Phú Mỹ đứng giá, còn lại đều tăng điểm.

Trong đó, cổ phiếu Vinamilk tăng 3.000 đồng lên 78.000 đồng/cp; SSI của Chứng khoán Sài Gòn tăng 1.200 đồng lên 26.700 đồng/cp.

Các cổ phiếu được khớp lệnh nhiều nhất vẫn là các mã quen thuộc trong nhóm cổ phiếu lớn, dẫn đầu vẫn là STB của Sacombank (1,5 triệu cp), SSI của Chứng khoán Sài Gòn (0,62 triệu cp), PVF của Tài chính Dầu Khí (0,29 triệu cp), DPM của Đạm Phú Mỹ (0,27 triệu cp), VNM của Vinamilk (0,26 triệu).
ATPVietnam