Phố Wall đi xuống dù FED hạ lãi suất thấp kỷ lục

Thursday, October 30, 2008 |

Dù Cục Dự trữ Liên bang (FED) sau cuộc họp hôm 29/10, đã hạ lãi suất đúng như dự báo của giới phân tích xuống thấp kỷ lục. Tuy vậy, phố Wall vẫn đi xuống do nhận định bi quan của FED về triển vọng kinh tế Mỹ.

Chỉ số Công nghiệp Dow Jones mất 0,82%, đóng cửa tại 8.990,96 điểm. Chỉ số Nasdaq lại tăng nhẹ 0,47%, chốt ở mức 1.657,21 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) thấp hơn phiên trước 1,11%, kết thúc ngày giao dịch tại 930,09 điểm.

Sau cuộc họp, FED đã cắt giảm lãi suất thêm 0,5% xuống còn 1%. Đây cũng là mức thấp nhất từng được ghi nhận. Trước đó, ngưỡng lãi suất 1% cũng từng được áp dụng vào năm 2004. Từ cuối năm 2007 đến nay, FED đã có nhiều bước đi cần thiết để ổn định thị trường tài chính như cắt giảm lãi suất hay cung cấp gói hỗ trợ 700 tỷ đôla để mua nợ xấu ngân hàng.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến theo xu hướng trái ngược nhau trong phiên hôm qua 29/10. Ảnh: blog.kir.com.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến theo xu hướng trái ngược nhau trong phiên hôm qua 29/10. Ảnh: blog.kir.com.

Tuy nhiên, theo ông Joshua Shapiro, Nhà Kinh tế Trưởng tại Maria Fiorini Ramirez Inc, sau nhiều lần điều chỉnh, việc cắt giảm lãi suất đã không còn tác động lớn như trước. Ông dự đoán lãi suất sẽ được duy trì trong thời gian tới.

Cùng ngày, trong phát biểu của mình, FED tập trung nhận định về những mặt tiêu cực của nền kinh tế như ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, thiếu hụt tín dụng, và sự đi xuống của tâm lý của người dân trong tiêu dùng và hoạt động kinh doanh. Nhận định này đã có tác động tiêu cực nhất định tới tâm lý của phố Wall.

Thị trường tín dụng tiếp tục có chuyển biến tốt, với lãi suất LIBOR qua đêm giảm 0,1% chỉ còn 1,14%, còn LIBOR 3 tháng xuống 0,05% còn 3,42%.

Doanh số của nhà sản xuất xe hơi General Motor (GM) giảm mạnh trong quý III do nhu cầu thị trường quốc tế chùng xuống. Ngoài ra, doanh số tại Mỹ, sân nhà của GM, cũng rơi 19% so với năm ngoái. Ngược với GM, hai thành phần khác của Dow Jones là Procter & Gamble và Kraft Foods đều đạt chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận.

Hiện 53% các công ty thuộc S&P 500 đã công bố kết quả, lợi nhuận nhìn chung giảm 23,9% so với cùng kỳ năm 2007. Đôla suy yếu đã giúp dầu hồi lại 4,77 đôla để từ đó leo lên 67,5 đôla một thùng.

Hôm nay, kinh tế Mỹ sẽ đón nhận thông tin về GDP quý III. Theo các cuộc trưng cầu ý kiến của trang web Briefing.com, phần đông đều có quan điểm GDP sẽ đi xuống 0,5%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật phản ứng khá tích cực trước việc FED cắt giảm lãi suất. Bên cạnh đó Ngân hàng Trung ương nước này được dự đoán cũng sẽ hạ lãi suất trong thời gian tới cũng như đồng yên xuống giá so với đôla, mang lợi cho nhóm cổ phiếu xuất khẩu, đã giúp giới đầu tư Nhật trở nên phấn chấn hơn. Chỉ số Nikkei 225 tăng 7,74% sau ngày giao dịch.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đi xuống 2,94%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong được cộng thêm 0,84%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc sau hai phiên đi lên đã quay đầu giảm 3,02%.

Chứng khoán châu Âu đi lên khá mạnh nhờ diễn biến tại thị trường Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh nhảy vọt 8,05%. Chỉ số CAC 40 của Pháp cộng thêm tới 9,23%. Chỉ số DAX của Đức giảm nhẹ 0,31%.

Tính tới 9h30 sáng 30/10, sắc xanh phủ khắp các thị trường lớn tại châu Á. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật tăng 3,88%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong lên 5,67%. Shanghai Composite của Trung Quốc cao hơn phiên trước 1,48%. Chỉ số KOSPI dẫn đầu về tốc độ đi lên với số điểm cộng 8,09%.

0 comments: