-Kết thúc giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam có kết quả không mấy khả quan khi chỉ số VN-Index tiếp tục rời xa ngưỡng 350 điểm. Khởi động phiên đầu tuần mới sắc đỏ tiếp tục bao phủ thị trường.


Bất chấp thông tin được Tổng cục thống kê chính thức công bố cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2008 tăng trưởng âm (-0,19%), thị trường vẫn không có phản ứng nào trước thông tin này mà dường như một mối lo mới lại xuất hiện về nỗi lo giảm phát của kinh tế được thay thế.

Mặt khác những con số thống kê gần đầy về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng đang gây sức ép tâm lý khá lớn tới nhà đầu tư trong nước khi họ liên tục bán ròng trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường Việt Nam.

Với một số phiên giao dịch trước đó, VN-Index liên tục phá vỡ nhiều ngưỡng điểm kháng cự, ngay trong đợt 1 hôm nay chỉ số này vẫn tiếp tục đà giảm mạnh khi để mất 15,68 điểm (tương đương giảm4,54%) xuống còn 329,43 điểm.

Trong toàn bộ thời gian còn lại của phiên giao dịch, diễn biến giao dịch chỉ theo một chiều trước việc cổ phiếu được xả bán ồ ạt trong khi đó sức mua rất thận trong trong bối cảnh thị trường giảm mạnh.

Đợt khớp lệnh liên tục khép lại, chỉ số VN-Index vẫn giảm gần hết biên độ là 4,55%, tương đương 15,71 điểm xuống 329,4 điểm.

Đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa nhanh chóng khép ngày khởi đầu tuần mới tồi tệ khi VN-Index mất nốt những điểm số có thể, chung cuộc chỉ số này giảm 15,83 điểm (tức giảm 4,59%) đóng cửa mức 329,28 điểm.

Đây đã là phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp của chỉ số này, bất chấp Kết quả kinh doanh Quý 3/2008 của các doanh nghiệp trên cả 3 sàn vẫn tốt, cá biệt, có một số doanh nghiệp vẫn làm ăn rất tốt...

Khối lượng giao dịch của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được khớp lệnh qua từng đợt vẫn khônng có đột biến nào và chỉ được duy trì ở mức trung bình. Cụ thể, đợt 1 với hơn 3,3 triệu đơn vị, giá trị là 83,89 tỷ đồng; đợt 2 với hơn 11,37 triệu đơn vị, giá trị đạt 299,94 tỷ đồng; Và toàn phiên tổng khối lượng đạt 12,4 triệu đơn vị, giá trị là 326,59 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng và giảm đôi chút giá trị so với phiên cuối tuần qua.

Về biến động giá của các mã cổ phiếu niêm yết, trong tổng số 160 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết, chỉ có 5 mã tăng giá với chỉ 2 mã tăng giá trần, 2 mã giữ mức tham chiếu trong đó có 1 mã không có giao dịch, số cổ phiếu giảm giá chiếm thế áp đảo hoàn toàn với 157 mã trong đó có 144 mã giảm kịch sàn.

5 mã tăng giá trong đó 2 cổ phiếu tăng giá trần là COM của CTCP Vật tư-Xăng dầu (+1.500 đồng lên 32.100 đồng/cp) và NKD của Kinh Đô (+1.500 đồng lên 31.900 đồng/cp). Các mã tăng giá còn lại là SDN của Sơn Đồng Nai, ACL của Thuỷ sản Cửu Long An Giang, BT6 của Bê tông 620 Châu Thới.

Về mức giảm giá mạnh nhất (tính theo giá trị tuyệt đối), DHG đứng đầu (-5.000 đồng xuống 99.000 đồng/cp), như vậy sau khi DHG xuống mức thị giá 100.000 đồng thì hiện tại trên sàn HOSE đã không còn mã cổ phiếu nào có mức giá trên 100.000 đồng nữa. Trong khi đó có 19 mã cổ phiếu đã dưới mệnh giá chưa kể 4 chứng chỉ quỹ.

Về khối lượng khớp lệnh của từng cổ phiếu, STB của Sacombank tiếp tục thanh khoản mạnh nhất (hơn 1,94 triệu cp). Các mã sau đó là VTO của Vận tải Xăng dầu VITACO (0,69 triệu cp), DPM của Đạm Phú Mỹ (0,49 triệu cp), PVT của PV Trans (0,43 triệu cp), FPT (0,39 triệu cp), PPC của Nhiệt điện Phả Lại (0.38 triệu cp)...

0 comments: