Chứng khoán Mỹ gượng dậy

Friday, October 17, 2008 |

Phố Wall hồi phục vào hôm qua 16/10, nhờ giá dầu giảm, và kết quả kinh doanh lạc quan của một số công ty. Bên cạnh đó, phiên giảm lớn thứ 2 trong lịch sử diễn ra trước đó đã đưa giá nhiều cổ phiếu về mức hấp dẫn.

Thị trường New York hôm qua biến động mạnh, sụt mạnh vào buổi sáng trước thông tin thua lỗ của Merrill Lynch và Citigroup cũng như số liệu cho thấy họat động sản xuất đang suy yếu. Tuy nhiên, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đã tạo ra bệ đỡ đẩy các chỉ số chính tăng điểm trở lại.

Chỉ số Dow Jones sau khi mất 380 điểm vào đầu giờ, đã hồi phục trở lại và lên một mạch 401 điểm, tương đương 4,68%, chốt ở 8.979,26 điểm. Nasdaq và Standard & Poor's 500 lần lượt đi lên với biên độ 5,49% và 4,25%.

Trong quý III, Citigroup báo lỗ 2,8 tỷ đôla, tương đương 60 cent một cổ phiếu. Merrill Lynch, tập đoàn được Bank of America mua lại, cũng mất tới 5,2 tỷ đôla, tương ứng với 5,58 đôla một cổ phiếu. Một tập đoàn tài chính khác là AIG cho biết, để vượt qua khó khăn hiện tại, sẽ dùng thêm 12 tỷ đôla trong quỹ hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ cho các định chế tài chính, nâng tổng số tiền nhận từ nguồn hỗ trợ bên ngoài lên 82,9 tỷ đôla.

Chứng khoán Mỹ hồi phục, tuy nhiên những số liệu mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề. Ảnh: cache.daylife.com.
Chứng khoán Mỹ hồi phục, tuy nhiên những số liệu mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề. Ảnh: cache.daylife.com.

Cùng ngày, đồng đôla hồi phục so với các ngoại tệ lớn khác báo hiệu thị trường tín dụng và cho vay giữa các ngân hàng đã nới lỏng phần nào. Dầu tiếp tục rẻ đi khi thống kê hàng tuần của Chính phủ cho thấy nguồn cung dầu thô và xăng đều lớn hơn dự tính. Kết phiên, giá dầu giảm 4,65 đôla, chốt tại mức 69,85 đôla một thùng, mức thấp nhất kể tử tháng 8/2007.

Theo các chuyên gia, dầu xuống do nhu cầu tiêu thụ của thế giới giảm sút, một dấu hiệu của trì trệ của kinh tế toàn cầu, rõ ràng không phải là một tín hiệu tốt với thị trường. Tuy nhiên, giới chứng khoán dường như đã bỏ qua thực tại này, bên cạnh đó một loạt chỉ báo kinh tế ảm đạm những gần đây cũng đang bị giới đầu tư bỏ qua.

Ngày mai, chứng khoán Mỹ sẽ đón thông tin về số nhà được cấp phép và xây mới trong tháng 9. Bên cạnh đó chỉ số tâm lý người tiêu dùng cũng được công bố. Trong phiên giao dịch cuối tuần, trước giờ mở cửa, Tổng thống Bush sẽ có một bài phát biểu ngắn.

Thị trường châu Á trải qua một ngày giao dịch ảm đạm khi giá chứng khoán tại các thị trường lớn đều rơi tự do. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật phá kỷ lục cho một phiên giảm được lập vào 21 năm trước khi mất tới trên 11,4%. Kể từ đầu năm, 45% giá trị của Nikkei 225 đã "đội nón" ra đi.

Phiên giảm tại Nhật chịu tác động lớn từ những báo cáo kinh tế nghèo nàn của Mỹ hôm 15/10. Từ đó khiến nhà đầu tư mất lòng tin vào nhóm cổ phiếu của các nhà xuất khẩu, như Honda, Toyota, Sony v.v..., vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite của Trung Quốc đi xuống lần lượt 4,96% và 4,25%.

Chứng khoán châu Âu sụt mạnh do giới đầu tư bán tháo cổ phiếu của khối năng lượng, như Royal Dutch Shell, Total, và các ngân hàng, tiêu biểu là HSBC hay Stantander. Tại Anh, chỉ số FTSE 100 mất 5,35%. DAX của Đức cũng lao dốc 4,91%. Mọi chuyện với chứng khoán Pháp thậm chí còn tệ hơn khi chỉ số CAC 40 bị trừ tới 5,92%.

0 comments: