Chứng khoán toàn cầu tuột dốc không phanh

Friday, October 10, 2008 |


Phiên giao dịch 9/10, vào đúng dịp kỷ niệm một năm phố Wall lập kỷ lục, Dow Jones Index đứt phanh, rơi xuống dưới ngưỡng 9.000 điểm, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Giới đầu tư trên toàn cầu tiếp tục tháo chạy.

Các chỉ số chính trên phố Wall trong phiên giao dịch hôm qua đều sụt với biên độ trên 5%. Trong đó Standard & Poor's 500 giảm mạnh nhất, 7,6%. Dow Jones bám sát nút trên đường đua xuống đáy, với biên độ 7,3%, tương đương 679 điểm, đóng cửa dưới 8.600 điểm. Nasdaq chậm chạp hơn, chỉ cài số lùi với biên độ 5,6%. Cả ba chỉ số quan trọng trên phố Wall đều đóng cửa ở mức thấp nhất trong vòng hơn năm năm trở lại đây.

Không chỉ cổ phiếu ngành tài chính, hàng hiệu trong lĩnh vực ôtô, công nghệ cũng bị cuốn vào cơn bão giảm giá. General Motors giảm 31%, Ford Motor mất 21% giá trị. Cả hai hãng đã bị định mức nợ ở viễn cảnh tiêu cực. Giá dầu sụt giảm khiến cổ phiếu của các công ty Chevron, Exxon Mobile giảm trên dưới 12%.

Tính chung trong bảy phiên qua, Dow Jones đã mất 2.271 điểm, tương đương 20,1%. Đúng ngày 9/10 năm ngoái, chỉ số này chạm mốc kỷ lục 14.164,53 điểm. S&P 500 và Nasdaq đều mất trên dưới 42% so với đỉnh cao lập được ngày này năm trước.

Sàn chứng khoán Indonesia quay cuồng trong cơn bão giảm giá. Chỉ số chính đã giảm 10,4% trong phiên hôm 8/10, khiến chính quyền yêu cầu đóng cửa sàn giao dịch. Ảnh: AFP
Sàn chứng khoán Indonesia quay cuồng trong cơn bão giảm giá. Chỉ số chính đã giảm 10,4% trong phiên hôm 8/10, khiến chính quyền yêu cầu đóng cửa sàn giao dịch. Ảnh: AFP

Sự hoảng loạn trên sàn chứng khoán là tấm gương phản ánh những gì đang diễn ra trong khu vực tài chính ngân hàng. Các tổ chức tín dụng hốt hoảng gom tiền mặt, hạn chế cho nhau vay bằng cách dâng cao lãi suất. Thị trường chứng khoán rơi tự do khi tất cả những gì gọi là nền tảng, chỗ dựa tâm lý cho giới đầu tư bị hất tung qua cửa sổ, bất chấp hàng loạt biện pháp hỗ trợ khẩn cấp của chính quyền.

Trong ngày hôm qua, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố bắt đầu chọn mua cổ phiếu của vài nhà băng, một phần trong kế hoạch cứu trợ 700 tỷ USD được thông qua cuối tuần trước. Bước tiếp theo sẽ tập trung vào việc xử lý các khoản nợ xấu. Cả Cục Dự trữ liên bang (FED) và Bộ Tài chính đã làm rất nhiều việc, song thị trường cảm nhận rằng các chương trình đó sẽ không phát huy tác dụng, ít nhất 6 tới 9 tháng nữa.

Doanh thu, lợi nhuận của các tập đoàn trong quý III chưa được cải thiện. GDP tăng chậm. Nhà đầu tư chỉ còn nước ngồi cân đo đong đếm xem khủng hoảng đã lún sâu đến đâu. Suy thoái bắt đầu từ đầu năm, song đợt bán tháo diễn ra mạnh mẽ kể từ tháng 9, sau khi hàng loạt nhà băng sụp đổ và bị sáp nhập.

Chứng khoán Á, Âu hôm qua có dấu hiệu bình ổn. Vào đầu phiên, đã có lúc các chỉ số phát tín hiệu đi lên. Chốt phiên, cả FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp và DAX của Đức đều hãm đà giảm tốc so với phiên hôm thứ tư. Trong đó FTSE và CAC chỉ giảm dưới 2%. DAX giảm dưới 3%. Nikkei của Nhật chỉ giảm 0,5% sau khi tuột dốc hơn 9% trong phiên trước. Hang Seng tại Hong Kong thậm chí còn tăng 2,8% trong phiên giao dịch chiều qua. KOSPI tại Hàn Quốc tăng 0,6%.

Riêng Indonesia phải đóng cửa sàn giao dịch, sau khi chỉ số chính JSX giảm 10,4% trong phiên thứ tư. Chính quyền nơi đây có thể tiếp tục yêu cầu ngừng giao dịch đến hết tuần này.

Đến sáng nay, 10/10, do tác động bán tháo ở thị trường New York, các sàn chứng khoán châu Á khởi đầu ngày mới với tâm trạng hoảng loạn. Nikkei tại Nhật lại tụt dốc hơn 10%. Trong khi các hàn thử biểu của chứng khoán Australia, Hàn Quốc đều giảm hơn 5%.

0 comments: