Giới đầu tư quốc tế tháo chạy khỏi chứng khoán

Thursday, October 9, 2008 |


Dường như việc cắt giảm lãi suất khẩn cấp của ngân hàng trung ương các nước không thể dập tắt nỗi hoảng sợ trong giới đầu tư. Phố Wall giảm phiên thứ 6 liên tiếp. Tại Nhật, Nikkei Index lao dốc hơn 9%, mức giảm mạnh nhất trong 20 năm.

Đóng cửa phiên giao dịch 8/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm chẵn 2%, xuống 9.258,10 điểm. Nasdaq và Standard & Poor 500 xuống dốc từ từ hơn, lần lượt mất 0,83% và 1,13%.

Cũng như các ngân hàng trung ương trên thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm qua thông báo cắt giảm lãi suất từ 2% xuống 1,5%. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cũng được hạ thêm nửa điểm phần trăm. Việc đưa lãi suất xuống được trông đợi sẽ tác động tốt tới hoạt động tín dụng, xây dựng và mua bán bất động sản, cũng như kích thích kinh doanh.

Với nhiều người, Kinh tế Mỹ đang trở nên mong manh hơn khi những biện pháp như cắt giảm lãi suất, hạ thuế, hay bơm tiền vào các ngân hàng vẫn không thể giúp ổn định thị trường tín dụng và cho vay. Ảnh: typepad.com.

Sau giờ đóng cửa, FED cho hay sẽ cung cấp cho AIG, nhà bảo hiểm lớn nhất thế giới, khoản vay lên tới 37,8 tỷ đôla. Tháng trước, 85 tỷ đôla đã được FED chuyển vào AIG để tránh cho tập đoàn này khỏi nguy cơ phá sản.

Phố Wall ban đầu đã có phản ứng tích cực song về cuối phiên lại giảm mạnh khi giới đầu tư vẫn bi quan về triển vọng kinh tế thế giới. Tính từ thứ hai tuần trước tới nay, Dow Jones đã mất tới 1.600 điểm. Cả ba chỉ số chính đều đang ở mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây.

Nỗi sợ suy thoái còn trở nên trầm trọng hơn khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn sa sút. Theo tổ chức này, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2009 chỉ dừng lại ở 3%, trong khi dự báo đưa ra trong tháng 7 là 3,9%. Ngoài ra, quá trình hồi phục lần này sẽ chậm hơn nhiều so với giai đoạn sau đại khủng hoảng những năm 1930.

Theo một nhà phân tích, nỗ lực bơm tiền vào ngân hàng cũng như hạ lãi suất chưa thể làm chứng khoán tăng điểm trở lại. Ông nhận định, qua biến động giá chứng khoán, có thể dự báo nhà đầu tư đang cho rằng diễn biến kinh tế Mỹ trong sáu tháng tới sẽ rất tồi tệ. Chiều qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Henry Paulson cho biết, chừng nào thị trường còn căng thẳng, Chính phủ sẽ dùng tất cả những nguồn có thể để đảm bảo sự cân bằng cho khối tài chính.

Cổ phiếu tại châu Âu rơi xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua dù các Ngân hàng Trung ương hàng đầu tại khu vực này như Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển đồng loạt thông báo cắt giảm lãi suất. Chỉ số tổng hợp FTSEurofirst 300 của các doanh nghiệp hàng đầu châu lục mất tới 13,6% trong tuần qua, từ đó rơi xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2003.

Khủng hoảng tín dụng cũng khiến Chính phủ Anh phải bơm tới 50 tỷ bảng cứu các ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Anh còn cam kết sẽ dùng 200 tỷ đôla để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm ổn định thị trường tài chính.

Sau phiên hôm qua, chỉ số FTSE 100 của Anh xuống 5,18%. Chỉ số DAX của Đức thấp hơn phiên trước 5,88%, chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ tới 6,31%.

Cổ phiếu tại Nhật giảm tới 19% sau năm ngày gần đây, cao hơn mức 13% của Dow Jones. Ảnh: cache.daylife.com.
Chỉ Nikkei 225 của Nhật giảm tới 19% sau năm ngày gần đây, cao hơn mức 13% của Dow Jones. Ảnh: cache.daylife.com.

Thị trường tài chính châu Á cũng "rối như canh hẹ". Đáng chú ý, Hàn Quốc đang trở thành một trong những mắt xích yếu nhất khi đồng Won của nước này giảm tới 12% giá trị so với đồng đôla chỉ trong ba ngày đầu tuần và mất giá 30% so với đầu năm. Dù Chính phủ đã nỗ lực ứng cứu nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Chỉ số KOSPI Composite của nước này mất tới 5,81% trong ngày hôm qua.

Chứng khoán Nhật trải qua phiên giảm tồi tệ nhất trong hơn 2 thập kỷ khi mất tới 9,38%, nâng tổng thiệt hai sau 5 ngày lên 19%. Trong đó, cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn rớt giá thê thảm do đồng yen tăng giá mạnh so với đôla. Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng tài chính vẫn đang bị cuốn theo cơn lũ giảm điểm.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mất 3,04%, chỉ số Hang Seng của Hong Kong hạ 8,17%.

0 comments: