Vn-Index thoát hiểm thành công

Thursday, November 6, 2008 |

Dấu hiệu đuối sức xuất hiện đầu phiên, nhưng hướng hồi phục của Vn-Index cũng đã hé mở ngay sau đó, đủ sức giúp chỉ số này tăng nhẹ 1,68 điểm (0,44%) vào lúc cuối, dừng ở 379,51. Giao dịch sôi động đẩy khối lượng tăng mạnh.

Xu hướng đi lên của 6 phiên trước đó đã nhường chỗ cho sự đi xuống của Vn-Index ngay trong đợt giao dịch đầu tiên. Sắc đỏ lan nhanh trên diện rộng khiến chỉ số này không bảo toàn điểm số mà vơi mất 6,25 điểm, chỉ còn 371,58. Trong nhóm 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn trên HOSE, chỉ có VNM và PPC bật xanh. Giao dịch sôi động kéo thanh khoản thị trường đạt mức khá, với 7,2 triệu chứng khoán chuyển nhượng, tương đương 229,48 tỷ đồng.

Diễn biến trồi lên sụt xuống của Vn-Index hôm nay đã đưa thanh khoản thị trường vọt lên mức cao nhất trong gần 2 tháng trở lại đây. Ảnh: Đ.Q.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, với sự hỗ trợ khá mạnh từ lượng cầu, trong đó có những blue-chip như STB, FPT, HPG, ITA..., tạo cảm hứng cho nhiều mã vừa và nhỏ khác noi theo. Đà rơi của Vn-Index do vậy hãm lại và thẳng tiến đi lên. Tuy nhiên, sự giằng co giữa cung cầu chứng khoán tiếp diễn gay gắt trong trọn đợt 2, khiến chỉ số chứng khoán sàn TP HCM từ mức điểm dương gần 10 điểm đã tụt xuống chỉ cách mốc tham chiếu không đầy 1 điểm.

Nhà đầu tư đã tỏ ra cẩn trọng hơn trước quyết định hiện thực hóa lợi nhuận của bên bán, bởi người mua không muốn bỏ lỡ cơ hội gom hàng giá rẻ, nhưng cũng không muốn lỡ mất khả năng có thể sở hữu ở mức giá còn tốt hơn nữa. Trong cuộc đấu giá này, phần thắng nghiêng nhẹ về lượng mua, khối lượng giao dịch nương theo diễn biến ấy đã tăng cao bội phần so với cùng đợt các phiên trước đó. Có tổng cộng 27 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ sang tên, tương đương giá trị 837,82 tỷ đồng.

15 phút cuối của đợt khớp lệnh đóng cửa trôi qua trong sự phập phồng của nhà đầu tư khi ranh giới tăng giảm của Vn-Index quá mỏng manh (0,48 điểm). Thế nhưng, sau những chật vật của bên mua nhằm bảo toàn điểm số, chỉ số này vẫn trải qua một phiên đi lên nhẹ 1,68 điểm.

Toàn phiên có tổng cộng 30,3 triệu chứng khoán trao tay (tính cả thỏa thuận và khớp lệnh), mức cao nhất trong gần 2 tháng trở lại đây, trị giá 959,2 tỷ đồng.

Giám đốc phân tích tài chính công ty thông tin tài chính Việt Nam, ông Đào Trung Kiên cho rằng, trạng thái thị trường lao dốc trong đợt đầu, vọt lên trong đợt 2 để rồi co lại vào chung cuộc chủ yếu do 3 nguyên nhân. Trước hết là diễn biến xấu đi của thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu hôm qua đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong nước vốn luôn nhìn sang để phản ứng. Các tổ chức lại liên tục bán ra, tạo nguồn cung dồi dào, góp phần làm dư bán đến hết phiên vẫn còn thừa nhiều. Ngoài ra, tính từ điểm đáy 322,8 của ngày 28/10, nhiều cổ phiếu đến nay đã có mức lãi hơn 20%, nhiều người quyết định hiện thực hóa lợi nhuận. Những nỗ lực của bên mua hôm nay tuy giúp Vn-Index thoát khỏi phiên giảm điểm nhưng dấu hiệu đuối sức của chỉ số này cũng đã bộc lộ.

Chung cuộc có gần 40 mã đi lên. Nhóm 10 cổ phiếu đầu tàu có sự phân hóa rõ nét khi VNM, STB, PVF, VPL, PPC, FPT, HPG có thêm 0,3-3,5 điểm, trong khi PVD, DPM lại tuột mất từ 2.400 đồng đến 3.000 đồng một cổ phiếu, riêng VIC đứng giá.

Tiếp tục dẫn đầu thị trường về khối lượng chuyển nhượng, nhưng hôm nay giao dịch của STB vọt lên 7,2 triệu cổ phiếu. Một loạt blue-chip có mức khớp trên 1 triệu cổ phiếu như HPG, SAM, FPT, PVF, PPC, SSI.

Trong khi Vn-Index đạt được phiên tăng điểm khá hồi hộp thì HaSTC-Index của sàn Hà Nội lại trải qua ngày giao dịch mất đà giảm nhẹ 3,11 điểm (2,48%), chốt ở 122,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường gấp hơn 2 lần hôm qua, đạt 20,2 triệu chứng khoán, tương đương 621,9 tỷ đồng.

0 comments: