Sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, chứng khoán đã có phiên điều chỉnh giảm khá mạnh, chỉ số VN-Index lại lùi về gần ngưỡng 300 điểm khi để mất gần 2% trong phiên hôm nay.

Với nhiều thông tin hỗ trợ khá mạnh nhưng phiên giao dịch hôm qua, sự hưng phấn chỉ được trong đợt 1, đà suy yếu của VN-Index trong cuối phiên hôm qua đã tiếp tục có những ảnh hưởng tới phiên này.

Khá nhiều cổ phiếu quay đầu giảm giá khiến chỉ số VN-Index đảo chiều giảm 6,26 điểm (tương đương giảm 2,01%) xuống còn 303,79 điểm.

Tuy vậy có điểm đáng chú ý là khối lượng giao dịch tăng mạnh trong đợt 1 này với hơn 2,88 triệu đơn vị được chuyển nhượng, giá trị tương đương 65,1 tỷ đồng. Trong đợt 1 nhiều phiên trước đó, chỉ có khoảng trên dưới 1,5 triệu đơn vị được giao dịch.

Đợt 2 diễn biến vẫn tiếp tục theo chiều hướng giảm mạnh, đã có thời điểm trong phiên giao dịch, VN-Index về sát ngưỡng 300 điểm khi giảm trên gần 9 điểm. Và sau đợt 2 này, chỉ số VN-Index giảm 6,48 điểm (tương đương giảm 2,08%) xuống 303,57 điểm.

Khối lượng giao dịch sau đợt khớp lệnh liên tục này vẫn không có nhiều biến động với gần 10,4 triệu đơn vị, giá trị tương đương là 225,829 tỷ đồng.

Những nỗ lực cuối phiên cũng không đủ đưa VN-Index tránh khỏi phiên giao dịch giảm điểm, chung cuộc, chỉ số này giảm 6,12 điểm (tương đương giảm 1,97%) xuống còn 303,93 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch khớp lệnh của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ phiên này tăng lên so với phiên hôm qua, cụ thể đã có hơn 12,6 triệu đơn vị được khớp lệnh thành công với giá trị là 272,9 tỷ đồng. Tăng 12% về khối lượng nhưng chỉ tăng không đáng kể về giá trị so với phiên trước đó.

Tiếp tục gây sự chú ý khá lớn là khối lượng giao dịch thoả thuận lớn trong phiên hôm nay. Tổng khối lượng thoả thuận thành công phiên này đạt trên 8,1 triệu cổ phiếu với giá trị là 349,284 tỷ đồng. Đưa tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường lên mức rất cao là hơn 20,2 triệu chứng khoán và giá trị đạt 617,487 tỷ đồng.

Khối lượng thoả thuận tập trung vào 2 mã ANV của Nam Việt và VPL của Vinpearl JSC, ngoài ra còn có ALP của Alphanam, ASP của Dầu khí Alpha S.G, DPR của Cao su Đồng Phú...

Có đến 65% số chứng khoán niêm yết phiên này giảm giá, cụ thể trong tổng số 170 mã cổ phiếu và 4 chứng chỉ quỹ niêm yết (them HAG của Hoàng Anh Gia Lai niêm yết hôm qua) đã có 113 mã giảm giá (trong đó 32 mã giảm sàn), 31 mã tăng giá (với 13 mã tăng giá trần), 27 mã đứng giá và 3 mã không có giao dịch là DTT của Kỹ nghệ Đô Thành, FPC của FullPower và PMS của Cơ khí Xăng dầu.

Nhóm cổ phiếu lớn, tiếp tục gây ấn tượng tốt là HAG của Hoàng Anh Gia Lai khi tăng trần từ đầu phiên với lượng bán ra hầu như không có. Ngoài ra còn 2 mã tăng giá khác là PPC của Nhiệt điện Phả Lại và PVD của PV Drilling.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn này có 2 mã giảm sàn là DPM của Đạm Phú Mỹ và VPL của Vinpearl JSC, các tên tuổi khác đều giảm giá khác như: FPT của Tập đoàn FPT, HPG của Hoà Phát, STB của Sacombank, VNM của Vinamilk...

Về khối lượng khớp lệnh, STB vẫn duy trì mức thanh khoản như thường lệ và dẫn đầu thị trường (1,7 triệu cp), sau đó là PVF của Tài Chính Dầu Khí (hơn 1 triệu cp), PVT của PV Trans (0,73 triệu cp), PPC (0,65 triệu cp), SSI của Chứng khoán Sài Gòn (0,5 triệu cp), REE của Cơ điện Lạnh (0,49 triệu cp)....

0 comments: