Dấu hiệu cảnh báo sớm khủng hoảng tài chính

Monday, September 29, 2008 |


Ông Dominic Barton.

Báo giới đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia này về những cảnh báo cần thiết đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Giới đầu tư toàn thế giới đang theo dõi sát sao diễn biến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt nguồn từ Mỹ, trong cuốn sách của mình, các ông có đề cập đến hệ thống cảnh báo sớm khủng hoảng tài chính. Vậy theo ông, yếu tố cần chú ý là chính sách vĩ mô hay kinh tế vi mô?

Dựa trên nghiên cứu của mình, chúng tôi tin rằng, phần lớn dấu hiệu cảnh báo các “cơn bão” tài chính nằm ở điều kiện kinh tế vi mô. Song song với nó, việc theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ có thể giúp tìm ra nguyên nhân của khủng hoảng, chỉ ra nơi khủng hoảng sẽ tấn công và thậm chí khoảng thời gian nó có thể tấn công.

Khủng hoảng tài chính Mỹ xuất phát từ lỏng lẻo trong hệ thống cho vay của các ngân hàng. Theo ông, những chỉ số nào đối với hệ thống ngân hàng mà các nhà quản lý cần kiểm soát?

Mức lợi nhuận của ngân hàng là chỉ số cần được quan tâm hàng đầu. Doanh thu tài sản trên toàn hệ thống hàng năm nhỏ hơn 1% đối với các ngân hàng thương mại, hoặc/và biên độ lãi suất ròng hàng năm nhỏ hơn 2% thường là các dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng.

Ngoài ra, cần chú ý khi danh mục cho vay của ngân hàng tăng nhanh. Khi danh mục cho vay của ngân hàng phát triển nhanh hơn 20% trong vòng hơn 2 năm, chúng tôi thấy rằng, nhiều khoản nợ trở thành nợ xấu và có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính.

Đồng thời, khi những người gửi tiền bắt đầu rút khỏi các ngân hàng địa phương, đặc biệt trong vòng 2 quý liên tiếp thì hãy cảnh giác.

Ông đề cập đến hoạt động tín dụng của ngân hàng, trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ như Việt Nam hiện nay, nợ xấu có thể gia tăng, theo ông, cần chú ý đến vấn đề gì?

Tôi muốn nhấn mạnh đến các khoản cho vay không có khả năng hoàn trả. Việc cho vay không có sự tư vấn tốt thường kết thúc bằng việc gia tăng nợ xấu. Khi các khoản vay này vượt quá 5% của tổng tài sản ngân hàng, đèn cảnh báo nên chuyển sang màu đỏ.

Vấn đề nằm ở chỗ các ngân hàng thường không công bố các khoản cho vay không có khả năng hoàn trả cho tới khi xảy ra khủng hoảng. Thêm vào đó, mỗi nước có định nghĩa khác nhau về các khoản cho vay không có khả năng hoàn trả.

Một vấn đề nữa cần chú ý là tỷ lệ vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng. Khi một ngân hàng thương mại thiếu vốn, việc đi vay từ thị trường liên ngân hàng hoặc đưa ra lãi suất cao hơn ở ngoài thị trường nhằm thu hút vốn, thì thị trường về bản chất đang bỏ một lá phiếu không tín nhiệm đối với ngân hàng. Và điểm yếu của một ngân hàng có thể dẫn tới lây lan hàng loạt trong hệ thống.

Ở thời điểm này, khi tìm vốn từ hệ thống ngân hàng trong nước còn khó khăn, không ít DN nghĩ tới nguồn vốn vay nước ngoài. Ông có cho rằng đây là giải pháp tốt?

Trong trường hợp này, cơ cấu và thời hạn cho vay của ngân hàng nước ngoài cần chú ý đặc biệt. Khi hơn 25% của khoản vay nước ngoài cho một nước có thời hạn ít hơn 1 năm thì cần bật đèn cảnh báo, vì các khoản cho vay đó rất dễ bị rút lại nếu xảy ra khủng hoảng.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang là mục tiêu của nhiều nước đang phát triển, song tôi cũng muốn đề cập rằng khi các NĐT nước ngoài, thông qua vốn chủ sở hữu, trái phiếu và các khoản cho vay ngân hàng, đổ tiền vào một nước mà sử dụng không hiệu quả hoặc quản lý kém, kết quả là dư nợ lớn có thể dẫn đến rủi ro. Các nguồn đầu tư như vậy có thể tạo điều kiện cho khủng hoảng xảy ra.

Vấn đề bong bóng giá tài sản, như nhà đất chẳng hạn, theo ông có đáng quan ngại?

Đáng chú ý lắm chứ. Bong bóng và nổ bong bóng giá tài sản diễn ra trên toàn thế giới, nhưng đặc biệt hay xảy ra ở các thị trường mới nổi do các thị trường tài sản tại đây hoạt động kém hiệu quả và tâm lý NĐT dễ thay đổi.

Còn hoạt động của các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân thì sao, thưa ông?

Khi các công ty không kiếm ra đủ số tiền để trang trải cho chi phí của số tiền họ đi vay thì một cuộc khủng hoảng có thể đang tiềm tàng. Đèn đỏ bật sáng khi lợi nhuận của phần lớn công ty trong nước đều ít hơn chi phí trung bình về vốn.

Một điểm cần lưu ý nữa là nếu tỷ lệ giữa dòng tiền mặt và các khoản thanh toán lãi của một công ty giảm xuống dưới 2, công ty đó có thể đang phải đối mặt với khủng hoảng thanh khoản. Nếu điều này xảy ra ở các công ty hàng đầu trong nước, một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn có thể xảy ra.

Xin cám ơn ông!

Theo Anh Việt
Đầu tư Chứng khoán

0 comments: