Le lói tia sáng trong báo cáo kinh doanh quý III

Wednesday, October 15, 2008 |

Phần lớn các công ty niêm yết trên sàn TP HCM đã công bố báo cáo quý III đều cho biết kết quả kinh doanh khả quan. Đáng chú ý, có trường hợp vượt kế hoạch doanh thu lợi nhuận cả năm, bỏ qua những khó khăn chung của nền kinh tế.

Le lói tia sáng trong báo cáo kinh doanh quý III


Tập đoàn FPT vượt 14,6% về doanh thu và 3% về lợi nhuận trước thuế so với mục tiêu đề ra cho quý III. Nếu tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của FPT đạt gần 12.450 tỷ đồng, hoàn thành 83,3% kế hoạch năm. Tích hợp hệ thống, xuất khẩu phần mềm, viễn thông và phân phối là những lĩnh vực kinh doanh mang lại doanh số lớn cho FPT. Dự kiến vào cuối năm nay, tập đoàn sẽ đạt được doanh số 1 tỷ USD.

Một số công ty cán đích sớm về doanh thu, lợi nhuận như công ty cổ phần Hapaco (mã HAP) đã hoàn thành chỉ tiêu về doanh thu, tính theo lũy kế từ đầu năm đạt 373 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 16,6%; Tập đoàn Hòa Phát vượt 46% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Những doanh nghiệp còn lại đa phần chạm ngưỡng 70% kế hoạch sau 9 tháng hoạt động. Có thể kể đến Vinamilk (mã VNM) đạt 74,5% doanh thu, lợi nhuận sau thuế chỉ cách đích 10,3%; Thiên Nam (mã TNA) đạt 75,86% tổng doanh thu và 83,19% lợi nhuận trước thế; Cao su Tây Ninh dự kiến đạt 98,3% kế hoạch doanh thu cả năm...
Nhà đầu tư trông đợi tin tốt từ báo cáo quý III của các doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: H.P.

Chưa đầy nửa tháng nữa là hết hạn công bố báo cáo quý III, nhưng mới có 10 trên tổng số 164 doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM thực hiện. Tuy nhiên, những gì đã trình làng giúp nhà đầu tư phần nào an tâm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, khủng hoảng tài chính lan rộng.

Theo chuyên gia tài chính, Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, đến hết quý III, doanh nghiệp phải đạt 70%-75% mới có có hy vọng hoàn thành kế hoạch đề ra ban đầu, còn nếu chỉ mới ở mức 60% sẽ khó tiến về đích đúng như mong muốn về doanh thu, lợi nhuận.

Bởi quý III và IV, các doanh nghiệp mới thật sự ngấm các chính sách thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát của Chính phủ khi tiếp cận nguồn vốn vay ở mức đỉnh 21% một năm, thậm chí còn không vay được. Doanh nghiệp do vậy thu hẹp sản xuất, tiết giảm chi tiêu, người dân thắt lưng buộc bụng, hạn chế tiêu dùng. Hiện tại, dù nền kinh tế vĩ mô đang trong xu thế ổn định, nhưng các chính sách, biện pháp điều hành của Chính phủ có độ trễ nhất định. Do vậy, theo vị chuyên gia, phải đến quý I năm sau, doanh nghiệp mới dễ thở hơn.

"Những doanh nghiệp dựa chủ yếu vào đồng vốn vay sẽ khó đạt kết quả lợi nhuận như kỳ vọng", chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, Đại học Kinh tế,- cho biết. Điều kiện kinh tế vĩ mô không hỗ trợ cho doanh nghiệp ăn nên làm ra như năm 2007, nhất là chi phí vốn vay cao làm giảm năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy không có gì bất ngờ khi xuất hiện những trường hợp công ty không hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch, và nếu đã đi đến 80% chặng đường hoạt động, doanh nghiệp có nhiều khả năng chạm đích đúng hạn.

Trước đó, một số công ty niêm yết dự kiến không thể hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh được thông qua tại Đại hội cổ đông đã quyết định điều chỉnh giảm doanh thu, lợi nhuận, dù niên độ kế toán năm 2008 sắp kết thúc như: công ty cổ phần nhựa Tân Đại Hưng, công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang, công ty cổ phần xuất nhập khẩu Sa Giang...

0 comments: