Chứng khoán toàn cầu ngập trong sắc đỏ

Friday, November 7, 2008 |

Thứ năm 6/11, Dow Jones mất điểm phiên thứ hai liên tiếp, từ đó nâng tổng số điểm trừ hai ngày qua lên mức cao nhất kể từ năm 1987. Thị trường châu Âu chung số phận dù Ngân hàng Trung ương Anh và châu Âu vừa đồng loạt cắt giảm lãi suất.

Chỉ số Dow Jones xuống 4,85%, hiện có giá trị 8.695,79 điểm. Nasdaq đóng cửa tại 1.608,7 điểm, mất 4,34%. Standard & Poor giảm 5,03%, hiện chỉ còn 904,88 điểm. Như vậy sau hai phiên liên tiếp, tổng số điểm trừ của Dow Jones là 929 điểm, ứng với 9,7%, mức sụt giảm tính trên 2 phiên nặng nhất trong 21 năm trở lại đây.

Ông Dave Rovelli, Giám đốc tại Canaccord Adams, cho biết, tin kinh tế xấu, lợi nhuận thấp của các tập đoàn cũng như dự báo u ám về triển vọng kinh tế đã khiến chứng khoán mất điểm mạnh.

Trong hai ngày qua, bất kể việc ông Barack Obama trúng cử, phố Wall vẫn bị nhấn chìm bởi hàng loạt thông tin kinh tế bất lợi. Ảnh: msnbcmedia4.msn.com

Doanh số bán lẻ của hệ thống các cửa hàng trên toàn nước Mỹ sụt giảm có lẽ là thông tin bất lợi nhất. Ngoài ra, tình hình thị trường nhà đất, tín dụng, và lao động cũng khiến nhà đầu tư trở nên bi quan hơn. Ngoại trừ Wal-Mart, hầu hết các nhà bán lẻ lớn tại cường quốc số một thế giới đều sụt giảm doanh số trong tháng 10. Xăng, dầu mất giá đáng kể trong nhiều tuần cũng không đủ để kích thích hoạt động mua sắm của người dân. Theo dự đoán của hãng tin Reuters, doanh số trong tháng 10 năm nay của các tập đoàn bán lẻ có thể tồi nhất trong 8 năm trở lại đây.

Thống kê số người mới thất nghiệp tuần đạt xấp xỉ mức dự đoán, khoảng 481 nghìn người. Trong ngày thứ 6, thông tin về số người thất nghiệp trong tháng 10 sẽ được Chính phủ công bố. Theo dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 6,1% của tháng 9 lên 6,3%.

Từ đầu tuần, các báo cáo kinh tế, bao gồm các chỉ số sản xuất, đơn đặt hàng của các nhà máy, hoạt động của khối dịch vụ, và doanh số bán xe, rơi xuống thấp nhất trong 25 năm qua, đều chỉ ra nhiều dấu hiệu của suy thoái.

Trong nhóm các mã đi xuống, cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô chịu ảnh hưởng khá nặng do nỗi e ngại các hãng trên sẽ phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ mới tránh khỏi phá sản. Cổ phiếu của General Motor và Ford xuống lần lượt 13,7% và 5,3%.

Ông Mark Travis, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tại Intrepid Capital Funds, cho hay, chứng khoán Mỹ có lẽ vẫn lình xình từ nay đến tận quý II năm tới. Sau quý II/2009, phố Wall có thể tăng mạnh trở lại khi nhà đầu tư bắt đầu mua vào trước triển vọng hồi phục của kinh tế.

Đôla tăng so với bảng và euro sau khi Ngân hàng Trung ương Anh và châu Âu đồng loạt cắt giảm lãi suất để đổi phó với kinh tế suy yếu. Tuy nhiên, đôla lại giảm so với đồng yen.

Cùng ngày, chứng khoán châu Á mất điểm đồng loạt. Diễn biến xấu từ thị trường Mỹ cũng như đồng đôla rẻ đi so với đồng yen, đã ảnh hướng đến cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn của Nhật như Toyota, Honda, hay Sony, từ đó, đẩy chỉ số Nikkei 225 lùi lại 6,53%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 7,08%. KOSPI của Hàn Quốc và Shanghai Composite của Trung Quốc giảm lần lượt 7,56% và 2,44%.

Ngân hàng Trung ương châu Âu vừa hạ lãi suất 0,5% từ 3,75% xuống còn 3,25%. Ngân hàng Trung ương Anh còn mạnh tay hơn khi đưa lãi suất từ 4,5% xuống chỉ còn 3%, mức cắt giảm mạnh nhất trong 27 năm qua.

Quyết định hạ lãi suất của hai ngân hàng Trung ương được đưa ra với mục đích đối phó với khủng hoảng tài chính và kinh tế suy yếu trong khu vực. Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu đón nhận thay đổi trên không mấy tích cực. Chỉ số FTSE 100 giảm 5,7%. Chỉ số DAX của Đức mất 6,84%. Chỉ số CAC 40 của Pháp hạ thấp 6,38%.

Tính tới 10h sáng nay 7/11, chỉ số Nikkei 225 giảm 4,35%, chỉ số Hang Seng bị trừ 1,92%, chỉ số KOSPI giảm 1,65%, còn Shanghai Composite tăng nhẹ 0,15%.

0 comments: