Chạy đua gom cổ phiếu để hưởng cổ tức

Friday, November 28, 2008 |

Nhiều cổ phiếu trong mùa cổ tức cuối năm nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, khiến khối lượng giao dịch những mã này tăng đột biến, bỏ qua sự tuột dốc chung trên thị trường.

Mức đỉnh cổ tức năm 2008 hiện thuộc về công ty cổ phần may Phú Thịnh - Nhà Bè, với tỷ lệ 40% (một cổ phần được trả 4.000 đồng). Kể từ khi thông tin trên được công bố, giá cổ phiếu NPS (tại HaSTC) tăng 8 phiên liên tiếp (17/11-26/11), leo từ 17.400 đồng lên 23.100 đồng. Khối lượng khớp lệnh cũng nâng dần qua từng phiên giao dịch, từ mức ít ỏi 1.000 vụt lên 214.000 cổ phiếu.

Một "người anh em" khác trên HaSTC cũng trong tầm ngắm nhà đầu tư gần 10 phiên qua là MIC. Với động thái tạm ứng cổ tức đợt một 17% bằng tiền mặt, mã này đã ngự trị ở bậc tăng điểm đến 8 ngày (18/11-27/11). Giá MIC (công ty cổ phần kỹ nghệ khoáng sản Quảng Nam) từ 62.400 đồng nhảy vọt 74.000 đồng.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với lịch trình DNP thuộc công ty cổ phần nhựa xây dựng Đồng Nai. Thông tin trả cổ tức năm 2008 chính thức công bố tại HOSE cách đây 3 ngày, thúc mã này đi lên liên tục 4 phiên (24/11-27/11). Đáng chú ý, lượng đặt mua DNP những phiên này áp đảo hoàn toàn số bán ra, nhu cầu gom hàng của nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu từ 10.200 (24/11) lên 11.600 đồng vào chốt ngày 27/11.

Danh mục cổ phiếu được trả cổ tức nằm trong tầm ngắm nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Đ.Q.

Trong khi chỉ số hai sàn không ngừng dò đáy mới với lượng giao dịch đi xuống thì một số mã chứng khoán đi ngược lại xu hướng này. Đứng ở góc độ nhà đầu tư, anh Minh Quân, sàn Rồng Việt lý giải, mức chi trả cổ tức giúp nhà đầu tư gỡ gạc phần nào những hao hụt từ việc giá cổ phiếu sụt. Tuy nhiên, những cổ phiếu anh chọn hiện nay ngoài việc trả cổ tức cao còn phải có tính thanh khoản, kết quả kinh doanh khả quan... Với tiêu chí như vậy, giá cổ phiếu sau khi tham chiếu lại dù sụt giảm nhưng sẽ không bị dìm sâu. Vì nhà đầu tư thấy được triển vọng phát triển của doanh nghiệp để sẵn sàng gom vào, kéo cổ phiếu khỏi con dốc rơi không phanh sau mùa cổ tức.

Riêng với giới đầu tư lướt sóng, cơ hội "làm ăn" đối với danh mục cổ phiếu có chi trả cổ tức cũng xôm tụ không kém. Nhà đầu tư Hoài Thanh, sàn Cao Su đón đầu giá ACB sẽ thẳng tiến đi lên cho đến ngày giao dịch không hưởng quyền (4/12) nhận cổ phiếu thưởng. Theo đó, cổ đông hiện hữu sở hữu 100 cổ phần sẽ nhận 36,636 cổ phần. Anh Thanh bán ra 1.000 cổ phiếu ACB vào hôm 20/11, thu lời 700 đồng một cổ phiếu sau gần 1 tuần sở hữu. Anh dự định sẽ đón đầu cơ hội mua vào ở mức giá điều chỉnh xuống sau khi chia cổ tức.

Trưởng bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SME chi nhánh TP HCM, ông Hoàng Thạch Lân lý giải hai trường hợp đưa đến quyết định thanh toán cổ tức hiện nay. Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn xoay sở được vốn cho hoạt động tái đầu tư, mức tạm ứng được xem là sự san sẻ quyền lợi với khách hàng. Qua đó, giúp nhà đầu tư "chạy" thuế được đồng nào hay đồng ấy.

Thứ hai, công ty sẽ bị "hụt chân" nếu chi khoản tiền này, nhưng vẫn "bấm bụng" thực hiện, làm hài lòng nhà đầu tư, ổn định giá cổ phiếu. Theo ông, nhà đầu tư cần xem xét, với tỷ lệ chia đó, doanh nghiệp có đủ sức để tiếp tục phát triển trong năm tới. Chưa kể, những năm sau đó, nếu doanh nghiệp chia ở tỷ lệ thấp hơn năm 2008, nhà đầu tư chắc chắn sẽ "hụt hẫng", ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh công ty.

Mới đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) ra khuyến cáo doanh nghiệp không nên chạy đua theo mốt trả cổ tức cao. Dù công ty kinh doanh hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận lớn, nhưng vẫn còn phải lo thực hiện các dự án cũng như đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh. Vấn đề này nên căn cứ vào thực trạng của từng công ty chứ không nên chạy theo phong trào.

Khác với mọi năm, các doanh nghiệp niêm yết dồn dập thanh toán cổ tức năm 2008 cho nhà đầu tư sớm hơn dự kiến. Hiện mức cao nhất có thể kể đến NPS (40%), ACL cùng BMC (35%), ABT (30%) và một loạt công ty chi trả từ 10%-29%. Trước đó, thị trường khá sững sờ khi công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hà Nội (HANCIC) quyết định tạm ứng đợt 2 là 350% (mỗi cổ phần nhận 35.000 đồng). Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thành hiện thực khi cổ đông lớn là Tổng công ty đầu tư xây dựng Hà Nội bác bỏ.

0 comments: