Giảm giá xăng nhỏ giọt vì chờ "ưu tiên thuế"

Wednesday, October 22, 2008 |

Liên tiếp trong 2 ngày 17, 18/10, các DN xăng dầu đầu mối đã giảm giá mỗi lần 500 đồng/lít xăng. Vì sao lại không giảm liền một lúc nhất là khi giá dầu thế giới đã giảm mạnh?

Sở dĩ DN chỉ giảm 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít DO vào ngày 17/10 vì còn chờ quyết định của Bộ Tài chính ưu tiên áp thuế. Chiều cùng ngày, tại cuộc họp của Chính phủ, Thủ tướng đã quyết định chưa áp thuế để tạo điều kiện cho DN tiếp tục giảm giá nên ngày 18/10, DN yên tâm giảm tiếp 500 đồng/lít.

Dù nói thế nào thì người dân chưa thể quên được cảm giác tăng đột biến, giảm nhỏ giọt đối với xăng dầu thưa ông?

Khi so sánh tăng giá 4.500 đồng/lít xăng ngày 21/7 với việc giảm nhiều lần, mỗi lần 500 đồng/lít trong tháng 10 vừa qua, người tiêu dùng đã quên đi yếu tố thời gian.

Đó là ngày 21/7, giá xăng tăng sau 4 tháng kìm giữ trong khi giá dầu thế giới tăng rất nhanh. Như vậy, giữ khoảng thời gian khá dài để tăng 1 lần thì người tiêu dùng đã được lợi từ thời gian trễ đó.

Từ tháng 8 đến nay, các DN đã giảm liên tục theo đà giảm của giá dầu thô thế giới, tổng thể đã giảm tương đương mức tăng ngày 21/7. Hơn nữa, không có chuyện DN có mức lãi tới 3.000 - 4.500 đồng/lít xăng như dư luận đặt ra.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu trong tháng 10 giảm giá tất cả các mặt hàng xăng dầu 1.000 đồng/lít thì DN cơ bản không còn có lãi; diesel có lãi khoảng 400 đồng/lít, dầu ma-zút và dầu hỏa lãi khoảng 1.000 đồng/lít (sau khi trích 1.000 đồng/lít để hoàn trả ngân sách).

Nhưng với mức giảm giá xăng dầu hiện nay của DN so với mức giảm của thế giới đang chứng tỏ DN kinh doanh xăng dầu đang lãi lớn?

Ngày 17/10, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình kinh doanh và lộ trình giảm giá xăng, dầu năm 2008. Theo đó, với mức giá thế giới bình quân của nửa đầu tháng 10, áp dụng thuế nhập khẩu xăng 5% và dầu hỏa 10%, mức lãi theo dự kiến của mặt hàng xăng dầu là 3.000 đồng/lít.

Nhưng đó chỉ là lãi giả thiết trong trường hợp giá xăng dầu thế giới được nhập về ngày hôm qua để bán ngay trong ngày hôm sau. Còn trên thực tế, quy định hiện nay buộc DN phải dự trữ xăng dầu 30 ngày để đảm bảo an ninh năng lượng, không mua bán ngay được.

Động thái cùng nhau giảm giá ở mức 500 đồng cũng khiến dư luận lo ngại DN đang “bắt tay" nhau. Ông nghĩ sao?

Khi “ông lớn” Petrolimex giảm giá thì những ông bé buộc phải nhìn vào đó mà giảm theo, nếu không hệ thống đại lý của ông sẽ chạy sang Petrolimex. Ngược lại, nếu DN nhỏ giảm giá mà Petrolimex không giảm thì sẽ làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Đó là yếu tố quan trọng để buộc DN phải giảm giá, như thế cũng là bảo đảm được lợi ích của người tiêu dùng. Mặt khác, các cơ quan điều hành cũng luôn theo dõi chặt chẽ không để DN lãi bất hợp lý.

Xin ông cho biết, thị trường xăng dầu trong nước tới đây được điều hành theo cơ chế như thế nào và liệu nó có bảo đảm được quyền lợi của người tiêu dùng không?

Hướng điều hành sắp tới của Chính phủ là chuyển hoàn toàn kinh doanh xăng dầu theo thị trường. Nhưng để các DN thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường chúng ta cần phải làm 3 điều.

Thứ nhất, để DN tự định giá, điều này đã làm được.

Thứ 2, tạo điều kiện để DN trở về trạng thái kinh doanh bình thường, bù lỗ giá các loại dầu còn nợ DN, tạo điều kiện để DN trích bù hết lỗ xăng của các DN (hoặc trả hết phần tạm ứng của Nhà nước).

Thứ ba, tạo điều kiện để DN có thể dự báo được tình hình diễn biến thị trường, tự đưa ra các quyết định kinh doanh; hoàn thiện cơ chế điều hành không can thiệp trực tiếp vào quyết định kinh doanh của DN, xác định mức thuế theo giá để họ dễ tính toán.

Xin cám ơn ông!

0 comments: