Thảm kịch tái diễn tại phố Wall

Thursday, October 16, 2008 |

Dữ liệu u ám về kinh tế Mỹ vừa được công bố đẩy giới đầu tư vào một đợt hoảng loạn mới, khiến chỉ số Dow Jones có ngày sụt giảm lớn thứ hai trong lịch sử và cuốn phăng thêm 1.000 tỷ USD khỏi phố Wall.

Kết thúc ngày giao dịch 15/10, Dow Jones sụt 733 điểm, chỉ kém kỷ lục giảm gần 778 điểm vào ngày 29/9 vừa qua, sau khi Hạ viện Mỹ từ chối thông qua kế hoạch giải cứu thị trường tài chính. Với mức sụt giảm này, chỉ số công nghiệp đã mất 7,9% giá trị, và là lớn nhất từ tháng 10/1987 đến nay.

Standard & Poor's 500 (SPX) tuột mất 90 điểm, cũng là mức giảm lớn thứ hai trong lịch sử. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 8,5%.

Với việc các chỉ số đồng loạt lao dốc, hôm qua giới đầu tư tiếp tục chứng kiến 1.000 tỷ USD "bốc hơi" khỏi phố Wall. Đây cũng là ngày thị trường có tổn thất lớn thứ hai trong lịch sử, chỉ sau 29/9 với 1.200 tỷ USD.

Sau một ngày phố Wall lao dốc không phanh, sáng nay thị trường châu Á tiếp tục chứng kiến cơn bão giảm giá. Ảnh chụp đầu sáng nay tại Tokyo của AP.

Giới chuyên gia cho rằng, thị trường sụt giảm là hệ quả tất yếu của việc có nhiều rủi ro đối với kinh tế Mỹ. Một loạt thông tin bất lợi về nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm một báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), bản dự báo của Cục Dự trữ liên bang (FED) và những nhận xét không mấy khả quan của chủ tịch FED Ben Bernanke đã cùng lúc đẩy phố Wall vào một phiên sụt giảm lịch sử.

Hôm 15/10, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho thấy, doanh số bán lẻ sụt mạnh nhất trong vòng 3 năm qua, cùng lúc với việc hoạt động sản xuất tại khu vực New York xuống mức thấp nhất trong lịch sử.

Trong cùng ngày, chủ tịch FED Bernanke đưa ra nhận định, dù Chính phủ Mỹ đã có những công cụ cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và tín dụng, song những việc này cần có thời gian.

FED cũng công bố dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế tại cả 12 khu vực tại Mỹ đều suy giảm. Viễn cảnh kinh tế cũng rất ảm đạm, do phần lớn doanh nghiệp không được vay vốn như mong muốn. Việc các ngân hàng thiếu thanh khoản đã khiến nền kinh tế vốn đang ốm yếu càng thêm khó khăn, nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động bình thường và người tiêu dùng cũng không thể vay vốn.

Theo giới chuyên gia, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ vẫn là yếu tố quyết định diễn biến trên thị trường phố Wall. Chuyên gia Timothy Ghriskey của hãng quản lý tài sản Solaris nhận xét: "Rủi ro hiện vẫn rất cao vì chúng ta không biết tình trạng kinh tế suy giảm sẽ kéo dài trong bao lâu". Ông này cũng cho rằng, phố Wall đang trở nên mất kiên nhẫn, bởi các biện pháp giải cứu tài chính mà Chính phủ Mỹ công bố sẽ không thể có tác dụng một sớm một chiều.

Tại thị trường châu Á, trong số các chỉ số quan trọng, chỉ Nikkei 225 của Nhật tăng 1,1%, sau khi đã có ngày tăng mạnh 14% hôm 14/10. Còn thị trường Hong Kong, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore đều sụt giảm, trong đó Hang Seng của Hong Kong để mất tới 5%.

Các thị trường châu Âu cũng không thoát khỏi xu hướng đi xuống. Tại Anh, FTSE 100 giảm 7,08%, trong khi DAX của Đức mất 6,49%, còn CAC-40 của Pháp sụt 6,82%.

0 comments: