Dự báo lãi suất sẽ còn tiếp tục giảm trong tuần này

Monday, November 17, 2008 |

Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định như vậy mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi bằng đồng Việt Nam (VND) đã xuống mốc 13,5% /năm vào ngày 17/11 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương (Vietcombank).


Đây là mức thấp nhất tới thời điểm hiện nay và không chênh bao nhiêu so với mức lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố (12%/năm), cũng như với lãi suất huy động tiền gửi.

Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) thông báo đưa lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn VND xuống mức 14%/năm và cũng bắt đầu áp dụng từ ngày 17/11/ cho các khách hàng sản xuất kinh doanh các sản phẩm, mặt hàng có thị trường tiêu thụ ổn định; trực tiếp sản xuất tạo ra sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế như năng lượng, xăng dầu, sắt thép, xi măng, phân bón, thuốc chữa bệnh…, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các khoản vay tài trợ xuất khẩu và các khoản vay thu mua lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Mức lãi suất cho vay ưu đãi cho các hộ nông dân của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã ở mức 14,4%/năm cách đây một tuần. Người ta đang chờ xem động thái từ Ngân hàng Công Thương và các ngân hàng thương mại khác trong cuộc "hưởng ứng" giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp mà NHNN, Hiệp hội Ngân hàng đã khuyến nghị nhằm góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bởi mức cho vay phổ biến hiện vẫn tới 15%/năm.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: với dự báo về khả năng suy giảm kinh tế, mức lãi suất hiện nay vẫn nằm ngoài khả năng chịu đựng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân. Nguồn tin từ BIDV cho hay: lãnh đạo ngân hàng này đang nghiên cứu để hạ thấp hơn nữa lãi suất cho vay và như vậy, mốc 13,5% sẽ chưa phải là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong tuần này.

So với tốc độ hạ lãi suất cho vay, việc hạ lãi suất huy động có phần chậm hơn bởi các ngân hàng đều khá thận trọng. Điều này làm cho khoảng cách giữa lãi suất huy động tiền gửi và cho vay đang ngày một thu hẹp. Lãi suất huy động phổ biến vào tuần trước của các ngân hàng thương mại nhà nước (TMNN) cao nhất là 14,36%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), cao nhất là 15,22% cho kỳ hạn 3 tháng. Nhưng sang đầu tuần này, lãi suất huy động phổ biến của nhiều ngân hàng đang xuống quanh mốc 13%/năm-14%/năm, thậm chí đối với kỳ hạn 12 tháng đã xuống mốc 12%/năm, kỳ hạn gửi dài hơn nữa chỉ còn 11%/năm hoặc thấp hơn. Với việc cơ cấu lãi suất: áp dụng lãi suất cao cho kỳ hạn ngắn và thấp cho kỳ hạn dài của tất cả các ngân hàng thương mại cho thấy chiều hướng giảm lãi suất huy động cũng sẽ vẫn tiếp tục.

So với lãi suất VND, lãi suất cho vay và huy động bằng đô la Mỹ có phần ổn định hơn. Hiện nay, lãi suất ưu đãi cho vay ngắn hạn(3-6 tháng) bằng USD đang trong khoảng từ 5%-5,5%. Lãi suất cho vay USD phổ biến là 7,8-8,12%/năm tại các ngân hàng TMNN và 8,88-9,57%/năm tại ngân hàng TMCP. Lãi suất huy động USD ( từ 3 đến 12 tháng) là từ 3,76%/năm- 5,04%/năm tại ngân hàng TMNN và từ 5,69%/năm tại ngân hàng TMCP.

Cùng với việc hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại đang tăng nguồn tiền cho vay. Ngân hàng cổ phần Á Châu đang thực hiện cho vay 5. 000 tỷ đồng đối với các đối tượng là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các cá nhân, phục vụ cho những nhu cầu như: vay phục vụ tăng trưởng xuất khẩu đối với tất cả các ngành nghề, vay hỗ trợ nhập khẩu đối với các mặt hàng là nguyên liệu cơ bản phục vụ sản xuất, vay trung hạn phục vụ mở rộng sản xuất – kinh doanh, vay vốn lưu động đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, vay trung hạn mua nhà để ở phục vụ các tầng lớp dân cư có nhu cầu thực sự về nhà ở.... Ngân hàng Liên Việt cũng dành 4.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.(Nguồn: TTX, 17/11)

0 comments: