Sau khi giảm điểm trong ngày đầu tuần, chứng khoán Mỹ đã có một phiên đảo chiều khá ngoạn mục. Tuy nhiên, đà tăng của các chỉ số chính sẽ bị thách thức trong những ngày tới khi một loạt kỷ lục buồn vừa được xác lập tại thị trường bất động sản.

Kết thúc phiên hôm qua 18/11, chỉ số Dow Jones đóng cửa tại 8.424,75 điểm, tăng 1,83%. Chỉ số Nasdaq có giá trị 1.483,27 điểm, cao hơn phiên trước 0,08%. Chỉ số Standard & Poor chốt ở mức 859,12 điểm, đi lên 0,98%.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ có nhiều biến động trong phiên hôm qua sau khi các thông tin cả tích cực lẫn tiêu cực được công bố. Tin tức trái chiều đã khiến chỉ số chính mất điểm vào đầu phiên nhưng đã hồi lại và đi lên vào cuối ngày.

Đầu tiên là chỉ số lòng tin của người xây nhà, do Hiệp hội Xây dựng Nhà Quốc gia công bố, đang rơi xuống mức rất thấp. Chỉ số này hiện chỉ còn 9 điểm trên thang từ 1 đếm 100, mức tồi tệ nhất từ khi ra đời năm 1985.

Cho vay dưới chuẩn (Subprime Lending) được cho là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản Mỹ. Ảnh: blogspot.com.

Giá nhà lao dốc mức thấp kỷ lục trong quý ba, hiện chỉ còn 9% so với cùng kỳ năm ngoái, kéo theo cơn bão tịch biên nhà đất để trả nợ. Sự sụt đổ của thị trường nhà đất cũng như nhiều khoản nợ dưới chuẩn gần đây đã khiến khủng hoảng tín dụng thêm trầm trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây cũng là cơ hội để những người đầu cơ thu gom tài sản giá trị với giá hời.

Theo thông tin mới công bố, đà giảm của giá bán buôn trong tháng 10 là nhanh chưa từng thấy do giá dầu mất giá trong 4 tháng gần đây. Tuy nhiên nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng thì giá bán buôn lại lên hơn dự tính của giới phân tích. Một báo cáo khác cho biết áp lực lạm phát hiện đang ở mức vừa phải.

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED), và Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) phát biểu với hội đồng Quốc hội rằng kết hoạch giải cứu khối tài chính đã giúp thị trường ổn định trở lại. Động thái trên của những người đứng đầu nền kinh tế được cho là có tác dụng hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư trong giai đoạn bất ổn hiện nay.

Tuy nhiên, những tuyên bố trên khó có thể xoa dịu nỗi lo đến từ các nhà sản xuất ôtô. Ba tập đoàn hàng đầu là General Motors, Ford Motor, và Chrysler cho biết sẽ cần thêm 25 tỷ đôla để chống chịu trước cơn khủng hoảng hiện tại. Trước đó Chính phủ đã bơm 25 tỷ đôla để tránh cho các hãng khỏi phá sản.

Các nhà phân tích cho rằng số tiền trên chỉ là giải pháp tình thế để tránh nguy cơ sụp đổ trước mắt, chứ không giải quyết được những khó khăn nội tại của ngành công nghiệp xe hơi. Theo đó, lựa chọn hợp lý sẽ là để các hãng phá sản, tái cơ cấu lại hoạt động và từ đó các công ty đi sau sẽ rút được nhiều bài học quý báu.

Thông tin tích cực khác đến từ khối công nghệ, Tập đoàn máy tính Hewlett-Packard (HP) dự đoán lợi nhuận quý IV cao hơn dự kiến của giới phân tích, bất kể sự trì trệ của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ngày thứ tư, thị trường Mỹ sẽ đón đợi các báo cáo quan trọng về Chỉ số giá hàng tiêu dùng, cấp phép xây nhà mới, cũng như kết quả của cuộc họp cuối cùng trong năm của FED.

Dầu thô giao sau tháng 12 tại thị trường New York giảm 56 cent, kết thúc ngày giao dịch tại 54,39 đôla một thùng, thấp nhất kể từ tháng 1/2007.

Được thúc đẩy từ kết quả khả quan tại phố Wall, chứng khoán châu Âu phiên vừa qua đã lên điểm trở lại. Chỉ số FTSE 100 của Anh lên 1,18%. Chỉ số DAX của Đức tăng 0,49%. Chỉ số CAC 40 của Pháp đóng cửa cao hơn phiên trước 1,11%.

Tại châu Á, báo cáo bi quan về sức khỏe nền kinh tế đã khiến chứng khoán Nhật trượt dốc. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và xuất khẩu dẫn đầu xu hướng giảm, từ đó kéo Nikkei 225 xuống 2,28%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 3,91%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 5,05%. Chứng khoán Trung Quốc cũng chứng kiến chỉ số Shanghai Composite bị trừ 6,31%.

0 comments: