1.200 tỷ đôla biến mất khỏi phố Wall

Tuesday, September 30, 2008 |


30/9 trở thành ngày sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử phố Wall, với việc chỉ số Dow Jones giảm gần 778 điểm, sau khi Quốc hội Mỹ từ chối thông qua đạo luật giải cứu thị trường tài chính.

Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 6,98% xuống mức 10.365,45 điểm. Chỉ số Nasdaq rơi tự do 9,14%, đóng cửa tại 1.983,73 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 chốt tại 1.106,42 điểm, với số điểm trừ lên tới 8,81%.

Với mức sụt giảm như trên, thiệt hại mà các nhà đầu tư phải chịu tính theo giá trị thị trường lên tới xấp xỉ 1.200 tỷ đôla. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử con số thiệt hại trong một phiên vượt quá 1.000 tỷ đôla.

Việc đạo luật giải cứu khối tài chính không được thông qua có thể khiến phố Wall tiếp tục chứng kiến sự sụp đổ của nhiều định chế tài chính. Ảnh: telegraph.co.uk.
Việc đạo luật giải cứu khối tài chính không được thông qua có thể khiến phố Wall tiếp tục phải chứng kiến sự sụp đổ của nhiều định chế tài chính. Ảnh: telegraph.co.uk.

Tai họa giáng xuống phố Wall bắt nguồn từ việc Quốc hội Mỹ, sau nhiều ngày thảo luận, đã không thông qua đạo luật cho phép Bộ Tài chính sử dụng 700 tỷ đôla mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng. Giới kinh doanh sợ rằng nợ xấu không được giải quyết sẽ khiến các nhà băng thắt chặt cho vay. Từ đó gây khó khăn cho người dẫn trong việc tìm vốn kinh doanh hoặc chi tiêu.

Ông Drew Kanaly, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tại Kanaly Trust cho rằng thị trường chứng khoán đã bị sốc. Ông nói: "Nếu theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng cuối tuần qua, mọi thứ dường như đã được thông qua". Tuy nhiên, cuối cùng tiền đã không được rót vào các ngân hàng.

Gần đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke, Tổng thống Bush, hay Bộ trưởng Bộ Tài chính Paulson liên tục có những phát biểu nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc càng sớm bơm tiền vào hệ thống ngân hàng càng tốt.

Bên cạnh nỗi thất vọng do kế hoạch giải cứu bị hủy bỏ, phố Wall tiếp tục gặp hạn khi có tin ngân hàng đang gặp khủng hoảng Wachovia bị bán lại Citigroup. Theo đó, Citigroup sẽ mua lại 2,2 tỷ đôla tài sản của Wachovia thông qua cổ phiếu.

Ngoài Wachovia, một số định chế tài chính lớn trước đó đã không thể trụ được lâu hơn, như Ngân hàng lớn thứ sáu nước Mỹ, Washington Mutual, Lehman Brothers, hay Merrill Lynch.

Chung cảnh ngộ với phố Wall, thị trường chứng khoán Âu, Á cũng bị làn sóng bán tháo nhấn chìm. Tại châu Âu, Chính phủ đã buộc phải tiếp quản nhiều ngân hàng hoặc tập đoàn tài chính. Tập đoàn bảo hiểm ngân hàng Fortis của Bỉ và Hà Lan đã nhận được khoản hỗ trợ 16,4 tỷ đôla. Ngân hàng Bradford & Bingley cũng vừa được quốc hữu hóa để tránh khỏi nguy cơ phá sản.

Tại Đức, hàng tỷ đôla từ các ngân hàng và cơ quan giám sát tài chính đã được bơm vào Hypo Real Estate Holding AG nhằm tránh cho nhà cho vay bất động sản này khỏi sụp đổ.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 5,3%. Chỉ số DAX của Đức thấp hơn phiên trước 4,23%. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 5,05%.

Tuy chưa có những vụ sụp đổ lớn trong khối ngân hàng như châu Âu và phố Wall, nhưng chứng khoán châu Á cũng không nằm ngoài cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau phiên đầu tuần, các chỉ số chính tiếp tục lao dốc. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật xuống 1,26%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong bị trừ 4,29%.

Chứng khoán Trung Quốc ngừng giao dịch để nghỉ lễ.

0 comments: