Cổ phiếu ngân hàng hấp dẫn trong… tương lai

Tuesday, November 18, 2008 |

Theo các chuyên gia chứng khoán nước ngoài, mức giá đang khá rẻ của các cổ phiếu ngân hàng (NH) Việt Nam là cơ hội rất tốt để bỏ vốn và khi nền kinh tế phục hồi, lĩnh vực NH sẽ ấm lên đầu tiên.

Ông Adrian Cundy, Trưởng nhóm nghiên cứu của VinaSecurities cho rằng, chỉ số P/E của chứng khoán Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 10 lần so với con số 20 - 25 của hai năm trước. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít thị trường đem lại cơ hội tốt cho nhà đầu tư (NĐT) lúc này. Vẫn theo ông Adrian Cundy, hiện có nhiều NH chất lượng cao của Việt Nam đã và chuẩn bị niêm yết, NĐT không nên để TTCK phục hồi mới đi tìm cơ hội.

Adrian Cundy cho rằng, thanh khoản của TTCK Việt Nam sẽ rất tốt trong những năm tới khi kinh tế toàn cầu nói chung khả quan hơn. Sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ kéo theo tăng trưởng trong lĩnh vực tài chính Việt Nam, dự kiến ngành này đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 10% vào năm 2010. Các NH sẽ tăng cường cho doanh nghiệp vay vốn và từ đó cũng đạt lợi nhuận cao khi các doanh nghiệp này đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, các NH Việt Nam hiện nay cần gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, không nên trông chờ chủ yếu vào lợi nhuận từ mảng cho vay thuần tuý.

Tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính cá nhân của ANZ, ông Philip Crouch đưa ra nhận định, hoạt động của ngành NH Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển hết tiềm năng. Chỉ mới có 10% người dân Việt Nam sử dụng dịch vụ tài chính NH và tập trung chủ yếu vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Do đó, còn rất nhiều cơ hội cho các tập đoàn tài chính nước ngoài.

Còn ông Kelvin Lee, Giám đốc điều hành VinaSecurities cho rằng, nhiều người tiêu dùng Việt Nam có tài khoản NH, nhưng vẫn ít giao dịch nên rất cần các biện pháp gia tăng dịch vụ để kích cầu thị trường.

Theo ông Philip Crouch, mặc dù năm 2008, các NH phải trả chi phí gấp đôi cho các khoản vốn huy động, đồng thời hạn chế cho vay ra do ảnh hưởng bởi các chính sách thắt chặt tín dụng; thế nhưng, hoạt động của ANZ ở Việt Nam vẫn duy trì và đạt được mức tăng trưởng tốt. Điều này chứng tỏ lĩnh vực tài chính - NH của một thị trường mới nổi như Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội thu lợi nhuận cao. Chiến lược cạnh tranh của ANZ trong quá trình khai thác thị phần và tiếp cận khách hàng là kết hợp với NH bản địa, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu.

"Ở Việt Nam, hoạt động của ngành NH rất tốt và còn nhiều cơ hội để đầu tư, nhất là những NH mới nổi lên trong 2 năm qua. Với khoảng 85 triệu dân số hiện nay thì số lượng NH hiện hữu trên thị trường Việt Nam vẫn chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của người dân", ông Philip nhấn mạnh và cho biết thêm, cạnh tranh trong lĩnh vực NH Việt Nam sẽ khá gay gắt trong tương lai. Nhưng bức tranh hoạt động của nó lại rất sáng sủa khi thị trường ổn định.

Giám đốc điều hành Vinacapital, ông Andy Ho cho rằng, Vinacapital luôn quan tâm đặc biệt đến ngành tài chính - NH, đặc biệt là khi giá cổ phiếu NH hiện đã giảm sâu và khá rẻ so với 2 năm trước. Theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Việt Nam có đủ tiềm lực để hỗ trợ về khả năng thanh khoản cho hệ thống NH. "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách ổn định thị trường tiền tệ để chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2009 và những năm tiếp theo. Những dữ liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể trong năm tới và đây là một thị trường trong số ít thị trường đem lại nhiều cơ hội tốt cho NĐT", ông Andy Ho cho biết thêm.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những khó khăn đối với hệ thống NH của Việt Nam và các nhà ĐTNN khi có ý định đầu tư vào lĩnh vực trên. Bên cạnh những ảnh hưởng của các chính sách thắt chặt tín dụng chưa hoàn toàn được nới lỏng, ngành NH trong nước đang lệ thuộc quá nhiều vào dịch vụ truyền thống là huy động và cho vay. Đối với các NH nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường tài chính - NH Việt Nam, việc tìm được nguồn nhân lực tài chính cấp cao là một thách thức không nhỏ. (Nguồn: ĐTCK, 18/11)

0 comments: