Chứng khoán toàn cầu lại quay đầu

Wednesday, September 24, 2008 |


Sự lo lắng đã quay trở lại trên thị trường chứng khoán New York - Ảnh: Reuters
TT - Khoảnh khắc hân hoan ngắn ngủi trên thị trường tài chính toàn cầu đã kết thúc chóng vánh. Ngày 23-9, giá cổ phiếu châu Á lại tụt dốc sau diễn biến ảm đạm ở Phố Wall (Mỹ) một ngày trước (sụt 372 điểm, tương đương hơn 3%). Các nhà đầu tư vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về kế hoạch giải cứu trị giá 700 tỉ USD của Washington.

Hãng tin Reuters cho biết tại châu Á, ngoại trừ thị trường Nhật đóng cửa nghỉ lễ, chứng khoán các nước đều sụt. Chỉ số Hang Seng (Hong Kong) tụt 3,9%, chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) hạ 1,6%, trong khi chỉ số S&P/ASX 200 của Úc sụt 1,9%. Chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật) sụt giảm 1,5%.

Reuters dẫn lời một số chuyên gia tài chính cho biết các nhà đầu tư bán tống bán tháo cổ phiếu và USD để mua dầu và vàng. Giá dầu trong phiên giao dịch 22-9 có lúc tăng thêm 25 USD trước khi đóng cửa ở mức 120,92 USD/thùng, tăng 16,37 USD/thùng. Giá vàng tăng 40,3 USD, lên mức 909 USD/ounce (28,35g). Giá đồng USD tụt dốc thảm hại. Đồng euro tăng 3% so với USD, đạt mức 1 euro ăn 1,48 USD. So với đồng yen Nhật, 1 USD chỉ còn đổi được 105,4 yen so với mức cũ 107,01 yen. Tuy nhiên đến ngày 23-9, thị trường dầu đã bình ổn trở lại. Ở châu Á, giá dầu giảm xuống dưới 107 USD/thùng.

Theo CNNMoney, thị trường đảo chiều do kế hoạch giải cứu tài chính của Washington đang có nguy cơ tắc nghẽn ở quốc hội, khi nhiều nghị sĩ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều lo ngại đây là sự phí phạm tiền thuế của dân. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Shelby thuộc Ủy ban Ngân hàng thượng viện tuyên bố: “Sẽ là ngu ngốc nếu tiêu tốn số tiền thuế khổng lồ để thử nghiệm một ý tưởng được xây dựng quá vội vã”. CNNMoney cho biết một số nghị sĩ Dân chủ vừa đưa ra đề xuất đòi hỏi chính phủ phải nhận được cổ phiếu chi phối trong các công ty được hỗ trợ và bảo vệ người mua nhà trước nguy cơ bị thu hồi nhà.

Hơn nữa, theo AP, sau sự phấn khích ban đầu, vào dịp cuối tuần các nhà đầu tư đã đánh giá kế hoạch giải cứu của Nhà Trắng với sự cẩn trọng hơn và phát hiện nhiều bấp bênh. Theo giới phân tích, kế hoạch này có thể đẩy thâm hụt ngân sách của Mỹ lên đến 1.000 tỉ USD. “Khi họ cố gắng in ra 1.000 tỉ USD, đồng USD sẽ chết, giá dầu sẽ tăng vọt và chẳng giúp ích gì cho thị trường chứng khoán - AP dẫn nhận định của chuyên gia Gary Kaltbaum - Đó là một vòng luẩn quẩn mà chúng ta đang chứng kiến”.

Kể cả khi được thông qua, kế hoạch trên cũng sẽ không nhanh chóng cứu được thị trường tài chính. Theo nghiên cứu của Hãng Merrill Lynch, sau khi Chính phủ Mỹ thành lập Hãng Resolution Trust Corp năm 1989 nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay, thị trường chứng khoán và nhà đất Mỹ cũng phải mất vài năm mới hồi phục.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Phạm Đỗ Chí - cựu chuyên viên cao cấp Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giảng viên American University tại Washington - nhận định khu vực công nghệ cao ở Mỹ suy sụp vào năm 2000-2001 và chỉ hơn sáu năm sau đến lượt một khu vực “nóng” khác là tài chính lâm vào khủng hoảng. Do đó, có thể chỉ vài năm nữa sẽ lại có một cuộc khủng hoảng khác xảy ra.

0 comments: