Giao dịch không sàn: Lợi ích cho cả 4 chủ thể

Wednesday, September 24, 2008 |

Theo dự kiến, tháng 12/2008, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) sẽ tiến hành giao dịch không sàn. Đợt thử nghiệm lần 1 đã kết thúc vào ngày 15/9 vừa qua, từ ngày 21/9 đến ngày 15/11 sẽ diễn ra đợt thử nghiệm lần 2. Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc HOSE về công tác thử nghiệm và một số vấn đề liên quan.

Xin ông giới thiệu những nét chính về phương thức giao dịch không sàn hiện HOSE và các CTCK đang triển khai?

Về mặt công nghệ, hệ thống gateway của HOSE hỗ trợ giao dịch trực tuyến sử dụng giao thức TCP/IP. Đây là giao thức phổ biến để truyền dữ liệu qua mạng, vì vậy khá linh động cho các CTCK lựa chọn giải pháp phần mềm phù hợp. Về nội dung, đây là hệ thống giao dịch tự động cho phép các lệnh mua , bán chứng khoán của nhà đầu tư từ các CTCK được chuyển thẳng vào hệ thống giao dịch của HOSE. Để sẵn sàng kết nối đến HOSE, CTCK cần xây dựng module mới theo phương thức đặc tả phù hợp với giao thức của HOSE cung cấp. Sự chuẩn bị của các CTCK là hạ tầng kỹ thuật, bao gồm phần cứng và hệ thống dự phòng có khả năng thay thế, các giải pháp phần mềm phù hợp, đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực công nghệ đủ năng lực chuyên môn để vận hành.

Ông có thể cho biết lợi ích và những điều cần chú ý khi tiến hành giao dịch không sàn?

Về phía thị trường, hệ thống giao dịch trực tuyến này sẽ khắc phục một số hạn chế của hệ thống hiện nay, giúp tăng tính thanh khoản, việc hủy và sửa lệnh sẽ giảm, loại trừ yếu tố cạnh tranh do tác động của con người… Về phía HOSE, giải quyết được khó khăn hiện nay là diện tích sàn giao dịch hạn chế, trong khi số đại diện các CTCK đang tăng lên. Về phía CTCK, giải quyết được tình trạng "thắt cổ chai" trong khâu nhập lệnh. Về phía NĐT, có nhiều tiện lợi, các giao dịch được thực hiện nhanh chóng, bảo mật, không phụ thuộc vào nhân viên môi giới, tiết kiệm thời gian, chi phí giao dịch...

Ban đầu, khi giao dịch không sàn, một số NĐT có thể lạ lẫm, nhưng dần sẽ quen. Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi hệ thống phát triển càng rộng, vấn đề bảo mật và an ninh càng yêu cầu cao hơn. Hệ thống của HOSE đang trong quá trình nâng cấp bảo mật từ hai lớp dự phòng nguội lên ba lớp dự phòng nóng. Sự bảo mật của các CTCK nằm ở vấn đề tự chủ của họ.

Xin ông đánh giá sơ bộ về đợt thử nghiệm lần 1. Sau đợt thử nghiệm lần 2, việc giao dịch không sàn triển khai như thế nào?

Đợt thử nghiệm lần 1 có 25 CTCK đăng ký tham gia, nhưng 2 CTCK bỏ cuộc do không chuẩn bị kịp và 4 CTCK chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ thành công 76% là tương đối cao. 4 CTCK thử nghiệm không đạt chủ yếu là do nhà cung cấp phần mềm chưa nghiên cứu kỹ các đặc tả do HOSE cung cấp. Trong đợt thử nghiệm lần 2, tất cả các CTCK còn lại đều được phép tham gia. Về giải pháp phần mềm, tôi thấy không có vấn đề gì lớn, vì hầu hết nhà cung cấp dịch vụ phần mềm cho các CTCK thử nghiệm đợt 1 cũng cung cấp cho các CTCK thử nghiệm đợt 2. Vấn đề chỉ là sự chuẩn bị của các CTCK.

Ngay khi kết thúc thử nghiệm đợt 2, HOSE sẽ tổng kết đánh giá công tác thử nghiệm, sau đó báo cáo lên Bộ Tài chính và UBCK, đồng thời thực hiện kiểm tra cơ sở vật chất của các CTCK lần cuối. Những công ty đáp ứng yêu cầu sẽ đưa vào danh sách giao dịch không sàn, tiến hành vào tháng 12 năm nay. Các CTCK khác chưa đáp ứng yêu cầu vẫn giao dịch theo phương thức hiện nay và tiếp tục tham gia thử nghiệm đợt 3, dự kiến vào tháng 1/2009.

Ông đánh giá như thế nào về phần mềm mà các CTCK thử nghiệm trong đợt 1 đã sử dụng?

Có nhiều CTCK nhỏ sử dụng phần mềm trong nước đã đạt kết quả khá tốt, tuy nhiên có CTCK lớn, dù đầu tư mạnh vào công nghệ, nhưng do chủ quan nên vẫn gặp sai sót trong quá trình thử nghiệm. Có thể chia các CTCK làm hai nhóm. Nhóm 1 là các CTCK chỉ đầu tư để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của NĐT như xác nhận với NĐT lệnh mua bán vào được hệ thống, lệnh đã được khớp… Nhóm 2 có một số CTCK đã đầu tư tương đối mạnh, các phần mềm có tính năng nâng cao như theo dõi trạng thái lệnh, số lượng chứng khoán đã được thực hiện trong phiên giao dịch, quản lý danh mục đầu tư, ứng trước tiền ngay khi bán chứng khoán… Tuy nhiên, đầu tư cho phần mềm nào phụ thuộc vào tiềm lực tài chính, định hướng phát triển riêng của từng CTCK.

Sự cạnh tranh giữa các CTCK theo phương thức giao dịch không sàn và theo cách cũ diễn ra sẽ gay gắt, thưa ông?

Sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và ưu thế nghiêng sẽ về phía các CTCK giao dịch theo phương thức không sàn, bởi lệnh của NĐT qua mạng Internet sẽ được phần mềm của CTCK tự động kiểm tra số dư tiền mặt (nếu mua) và cổ phiếu (nếu bán). Sau đó, phần mềm của CTCK sẽ tự động quét và nén thành "gói" dữ liệu, tối đa gồm 7 lệnh với tốc độ 1 giây vài lần. "Gói" dữ liệu được chuyển thẳng tới hệ thống của HOSE. Thời gian thực hiện sẽ nhanh hơn rất nhiều với phương thức giao dịch hiện nay là NĐT đặt lệnh mua - bán chứng khoán, nhân viên môi giới của các CTCK kiểm tra tình trạng hợp lý của lệnh, nhập vào hệ thống máy tính, nhân viên khác đọc lệnh tới đại diện tại sàn… Chỉ tính riêng việc đọc lệnh và nhập lệnh vào hệ thống đã mất vài giây, trong khi với phương thức giao dịch mới, về lý thuyết, cho phép gửi tối đa 49 lệnh/giây. Mặt khác, khi tiến hành giao dịch không sàn, phần mềm tự động sẽ kiểm tra tính hợp lý của lệnh, tự động đóng gói dữ liệu, không có sự phân biệt lệnh lớn, lệnh nhỏ, NĐT hoàn toàn bình đẳng trong việc đặt lệnh.

(theo ĐTCK)

0 comments: